Givral khai trương đồng thời với tòa nhà Vincom Center. Nó vẫn nằm ở vị trí cũ. Nhưng, tất nhiên, nó không còn như cũ.
Một Givral mới với một lịch sử đi qua quá sâu đậm với người Sài Gòn. Những ai nặng hoài niệm một không gian ấm cúng kiểu Tây hẳn sẽ hoàn toàn lạ lẫm với Givral hôm nay, kiến trúc tổng thể của khối nhà Vincom pha trộn kiến trúc Á- Âu, nó phảng phất đường nét của kiến trúc đâu đó trên đảo quốc Singapore. Givral mới cũng xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ của nó. Giờ đây, dù lộng lẫy, nó chỉ như một quán cà phê hộp có bán bánh ngọt. Thế thôi!
Hóa ra muốn làm văn hóa, hay tìm lại một không gian mà lịch sử tình cờ để lại nơi đây, không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi những người tiếp quản, và tiếp tục nó cần nhiều điều hơn chỉ là nơi “xơi bánh ngọt – uống cà phê”.
Cái lãng phí quan trọng nhất với nội thất hôm nay của Givral, mà dự đoán dễ nhất là không được khác với tổng thể khối nhà Vincom, chính là cái “view” cực quan trọng để nhìn toàn cảnh Nhà hát thành phố [Hạ Viện cũ và Khách sạn Caravelle] đã bị chặn lại bằng một bức tường sử dụng cho …dãy tủ bánh ngọt. Cái góc ngày xưa của Tim Page, phóng viên chiến trường của UPI và Paris Match, hay Horst Faas, người nhận hai giải Pulitzer bằng hình ảnh của chiến trường Việt Nam… cũng là góc đó. Ông Phạm Xuân Ẩn cũng chỉ chọn góc ngồi này.
Biết là thế, nhưng Givral vẫn cứ “chẳng là thế”, với một nội thất xa lạ, vô hồn với lịch sử từng có của nó. Dù trong thông cáo báo chí của Givral, ai đó đã viết một câu nghe rất ý nghĩa: “Không còn ký ức, đô thị tồn tại thế nào đây?”
Tất nhiên, một đô thị sống động không chỉ sống bằng ký ức, hay hoài niệm. Bởi lẽ, đô thị không phải là di tích. Nó là một cơ thể sống. Givral hôm nay có thể dành cho một thế hệ khác – trẻ , năng động, trong hòa bình.
Những thế hệ nghệ sĩ, nhà báo hôm nay sẽ lại đến ngồi đây để nhìn dòng đời chảy qua thành phố. Nhưng ký ức, văn hóa, hay lịch sử, vẫn phải được tiếp nối, chứ không phải bị ngắt quãng, hay xóa mờ, bởi cảnh quan không có khả năng khơi gợi những dấu ấn đã từng có. Chỉ những bức tranh trên tường chưa đủ để tái tạo cái linh hồn Givral, nếu cảnh quan và hình ảnh xa lạ với nhau.
Dù Givral đã trở lại, khi La Pagode, hay Brodard, không còn cơ hội đó, thì cũng đành phải cứ tiếc nuối rằng, đồng ý cái xác có thể thay đổi, nhưng cái hồn, cái dấu ấn văn hóa và lịch sử 60 năm của nó, phải còn phảng phất đâu đó. Trên một mảng tường, một chiếc bàn, hay một góc ngồi, chứ không chỉ bằng vài dòng “vinh danh trên giấy”.
Cái linh hồn ấy phải không được cho “siêu thoát”!
Đỗ Trung Quân
Để lại một bình luận