- 1. Chùa Vĩnh Nghiêm ở đâu?
- 2. Di chuyển đến Chùa Vĩnh Nghiêm như thế nào?
- 3. Giá vé cùng giờ mở cửa của Chùa Vĩnh Nghiêm
- 4. Thông tin về Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn
- Lịch sử của Chùa Vĩnh Nghiêm
- Kiến trúc của Chùa Vĩnh Nghiêm
- Tam quan
- Tòa nhà trung tâm
- Phật điện Chùa Vĩnh Nghiêm
- Các Bảo tháp của chùa Vĩnh Nghiêm quận 3
- 5. Văn khấn khi đi Chùa Vĩnh Nghiêm
- 6. Những hoạt động cộng đồng tại Chùa Vĩnh Nghiêm
- 7. Lưu ý khi chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm
- 8. Chỗ lưu trú khi đi chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm
Sở hữu khuôn viên lớn cùng lối kiến trúc độc đáo, Chùa Vĩnh Nghiêm đã thu hút được rất nhiều du khách đến để tham quan, lễ phật. Cùng khám phá chùa Vĩnh Nghiêm và tham khảo những kinh nghiệm đi chùa Vĩnh Nghiêm chi tiết nhất!
1. Chùa Vĩnh Nghiêm ở đâu?
- Địa chỉ: số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Nhận chỉ đường
Chùa Vĩnh Nghiêm quận 3 được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Ngôi chùa chính xây dựng kiểu chữ “công” mặt hướng về phía Đông Bắc bao gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu. Tầng trệt có giảng đường, tổ đường, phòng khách, văn phòng, phòng chư tăng, của hàng pháp khí đồng và cửa hàng phát hành kinh sách,…
Ở lầu chính thì có sân thượng khá là rộng, bái điện chính là một tòa vô cùng nguy nga. Còn Điện Phật được bài trí vô cùng tôn nghiêm, hai bên thờ Bồ tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, mỗi tượng cao khoảng 5m. Ở sát vách hai bên có đặt bốn pho tượng đồng bốn vị đệ tử. Đó là của Đức Phật Thích ca là Xá Lợi Phất (trí tuệ đệ nhất); Mục Kiền Liên (thần thông đệ nhất); A Nan (đa văn đệ nhất); La Hầu La (mật hạnh đệ nhất).
Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm được rất nhiều Phật tử và du khách ghé thăm, lễ Phật. Ảnh sưu tầm
2. Di chuyển đến Chùa Vĩnh Nghiêm như thế nào?
Tùy thuộc vào nơi mà bạn xuất phát mà có thể lựa chọn cho mình phương tiện phù hợp như là máy bay, xe khách, xe máy,…
- Di chuyển bằng máy bay: Đối với những du khách ở miền Bắc như Hà Nội, đặc biệt là đi cùng với trẻ nhỏ thì nên đi bằng máy bay với nhiều giờ bay cũng như hãng bay để bạn có thể thoải mái lựa chọn. Giá vé máy bay sẽ dao động từ 2.000.000 – 3.000.000 VNĐ/chiều.
- Di chuyển bằng xe khách: Đối với những du khách muốn tiết kiệm chi phí thì xe khách sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Giá vé xe khách đến Chùa Vĩnh Nghiêm sẽ dao động từ 200.000 – 300.000 VNĐ/người, đối với các tỉnh lân cận Sài Gòn.
- Di chuyển bằng xe máy: Đường đi đến Chùa Vĩnh Nghiêm khá là thuận tiện và đẹp. Chính vì thế mà bạn cũng có thể lựa chọn cho mình xe máy để có thể chủ động hơn cho chuyến đi. Đó cũng chính là lý do mà có rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn ngôi chùa chính là địa điểm du lịch Sài Gòn để check-in và tham quan vào cuối tuần.
Chùa Vĩnh Nghiêm mang nét hiện đại pha chút cổ kính với mái ngói cong, du khách mỗi lần về chiêm bái đều nán lại để check-in. Ảnh sưu tầm
3. Giá vé cùng giờ mở cửa của Chùa Vĩnh Nghiêm
- Giờ mở cửa: 7h – 21h;
Bởi vì là một địa điểm tâm linh, mở cửa cho du khách cũng như Phật tử ở gần xa, Chùa Vĩnh Nghiêm không thu vé vào cửa đối với du khách. Bạn cũng có thể tự do vào ra tham quan, dâng lễ bái Phật trong thời gian mở cửa của chùa.
Chùa Vĩnh Nghiêm sẵn sàng mở cửa từ 7h sáng đến 21h tối mỗi ngày đón Phật tử gần xa và du khách đến tham quan lễ Phật. Bên cạnh đó, những ngày lễ Tết hay ngày rằm, ngày mùng 1 âm lịch thì thời gian mở cửa sẽ có thể thay đổi.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi chiêm bái, lễ Phật rất linh thiêng cho nên lúc nào cũng có đông người qua lại. Ảnh sưu tầm
Nếu du khách đi xe máy hoặc xe tô tô đến Chùa Vĩnh Nghiêm thì có thể gửi ở hai bãi xe sau:
- Bãi gửi xe máy: 339, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3;
- Bãi gửi ô tô: 391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 14, quận 3.
4. Thông tin về Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn
Lịch sử của Chùa Vĩnh Nghiêm
Được biết, sau khi hành hương từ Bắc vào Nam đề truyền bá đạo Phật thì 2 vị nhà sư đó là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiếm đã cho xây dựng Chùa Vĩnh Nghiêm. Ngôi chùa này được lấy nguyên mẫu từ ngôi chùa cùng tên ở huyện Yên Dũng – tỉnh Bắc Giang. Bản vẽ của chùa được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Vào thời điểm xây dựng chùa, người ta vận chuyển hơn 40.000m2 đất từ Biên Hòa về để san lấp mặt bằng bởi vì chùa nằm ở khu đất thấp. Lúc đó, kinh phí xây dựng chùa khoảng 98 triệu đồng bởi các Phật tử đóng góp. Cho đến năm 1971, chùa đã hoàn thành một số hạng mục như tòa trung tâm, Bảo tháp Quan Thế Âm, cơ sở cho hoạt động xã hội…
Khung cảnh rộng rãi, thoáng mát ở bên trong Chùa Vĩnh Nghiêm rất yên bình và thanh tịnh. Ảnh sưu tầm. Ảnh sưu tầm
Kiến trúc của Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở trên một khuôn viên rộng thoáng khoảng 6000m2, sát với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm theo lối cổ miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên bằng kỹ thuật cũng như vật liệu xây dựng thời hiện đại. Đây chính là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20.
Tam quan
Đây chính là một công trình khá là đồ sộ, kiến trúc theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong. Vào năm 2005, do thành phố thực hiện dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà cổng tam quan của chùa đã được di dời vào bên trong, đến vị trí như hiện tại.
Tam quan của Chùa Vĩnh Nghiêm được dời vào sau khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mở rộng. Ảnh sưu tầm
Tòa nhà trung tâm
Tòa nhà trung tâm ở Chùa Vĩnh Nghiêm là một công trình kiến trúc kiên cố, bao gồm một tầng lầu, một tầng trệt. Tầng trệt có hai phần đó là ngoài nằm bên dưới sân thượng, cao 3,20m còn phần trong nằm dưới Phật điện, cao 4,20m. Tầng trệt ở Chùa Vĩnh Nghiêm được chia làm nhà thờ Tổ, giảng đường, văn phòng, thư viện,..
Từ dưới sân có 3 cầu thang rộng bao gồm 23 bậc được dẫn lên tầng trên, bao gồm sân thượng, Phật điện, Tháp Quán Thế Âm. Còn sân thượng rộng khoảng 10m, phía tay phải có một gác chuông được treo một đại hồng. Chuông này chung do các Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng trường năm 1975 nhằm mục đích cầu nguyện cho Việt Nam sớm hòa bình.
Khu vực đặt Phật điện ở Chùa Vĩnh Nghiêm, mái ngói cong, bao nhà bằng gỗ trông cổ kính nhưng vẫn hiện đại. Nơi đây có ba phần đó chính là Bái Điện, Bản Điện, Địa Tạng Đường. Ảnh sưu tầm
Phật điện Chùa Vĩnh Nghiêm
Đối với Phật điện ở Chùa Vĩnh Nghiêm thì được xây theo kiểu chữ công. Các góc mái đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Ở chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe Pháp luân cùng các góc có hình đầu phượng. Phật điện có bao gồm ba phần đó là Bái Điện, Bản Điện, Địa Tạng Đường.
Bái điện dài 35m, rộng 22m và cao 15m. Các cột, rui mè cùng với mái ngói đều được đúc bằng bê tông có cốt sắt. Ở chính giữa điện chính là bàn thờ của Phật Thích ca, còn hai bên có Bồ tát Văn Thù và bên phải là Bồ Tát Phổ Hiền. Dọc theo tường ở khu vực này có các tranh chữ La Hán. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh và bao lam cửu long. Đặc biệt, còn có các phù điêu ở trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước cũng như một số nước châu Á. Còn ở hàng hiên hai bên lối thì mỗi bên có một pho tượng Kim Cang khá lớn.
Khu vực Bản Điện (thờ chính Phật A Di Đà được thờ chính), Địa Tạng Đường (thờ chính Địa Tạng Bồ Tát) có kiểu kiến trúc tương tự với Bái điện.
Các Bảo tháp của chùa Vĩnh Nghiêm quận 3
Tháp Quán Thế Âm
Từ cổng chính vào bên trong, Tháp Quán Thế Âm nằm ở bên trái gồm có 7 tầng, cao gần 40m, được xây dựng cùng lúc với chùa. Tháp có hình vuông, mỗi cạnh là 6m. Đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn cùng với những hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu. Đây chính là ngôi tháp đồ sộ thuộc hàng bậc nhất ở trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam.
Tháp Quán Thế Âm ở chùa Vĩnh Nghiêm được bài trí hài hòa, dễ cho khách thập phương đêm chiêm bái và tham quan. Ảnh sưu tầm
Tháp Vĩnh Nghiêm
Vừa vào cổng, tháp đá Vĩnh Nghiêm nằm ở bên phải và được khánh thành vào tháng 12/2002. Tháp này cao 14m, là tháp thờ cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm – đây chính là một trong hai vị cao tăng có công sáng lập chùa. Tháp đá Vĩnh Nghiêm cũng được xem là ngôi tháp đầu tiên ở miền Nam. Đồng thời là ngôi tháp đá lớn và cao nhất Việt Nam từ trước đến năm 2013.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên của chùa còn có khu Phương trượng nằm ở phía trong cùng bao gồm dãy nhà hình chữ L, ôm bọc một hồ sen. Nơi đây được dùng cho khách thập phương nghỉ ngơi, tăng xá cùng một dãy được dùng để làm thành trai đường.
Tháp Vĩnh Nghiêm ở Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ năm 2002 và là tòa tháp đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh sưu tầm
Tháp Xá Lợi cộng đồng
Tháp Xá Lợi được xây dựng từ năm 1982 đến năm 1984. Ngôi bảo tháp này là nơi đặt di cốt của các chư phật tử đồng thời cũng chính là nơi lưu giữ tro thi hài của người đã khuất. Tháp Xá Lợi gồm có 4 tầng với chiều cao là 25m, được xây phía sau Phật điện. Mặc dù không có kiến trúc đồ sộ như Tháp Quan Thế Âm nhưng nơi này lại có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.
Có chiều cao là 25m, Tháp Xá Lợi nằm trong công trình kiến trúc của Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lui tới của rất nhiều Phật tử, du khách thập phương. Ảnh sưu tầm
5. Văn khấn khi đi Chùa Vĩnh Nghiêm
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Hôm nay là ngày…….. tháng…….. năm Nhâm Dần
Tín chủ con là …………………
Ngụ tại………………………
Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi Chùa …….. dâng nén tâm hương, dốc lòng kính lạy:
Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan âm Đại sỹ, và Thánh hiền Tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, si mê lầm lạc.
Ngày nay đến trước Phật đài, thành tâm sám hối, không làm điều dữ, nguyện làm việc lành, ngửa trông ơn Phật, Quan âm Đại sỹ chư Thánh hiền Tăng, Thiên Long bát bộ, Hộ pháp Thiên thần, từ bi gia hộ. Khiến cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an quy làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho vận đảo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.
Đặng mà cứu độ cho các bậc Tôn trưởng Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng cả chúng sinh đều thành Phật đạo.
Tâm nguyện lòng thành kính bái thỉnh cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
6. Những hoạt động cộng đồng tại Chùa Vĩnh Nghiêm
Mỗi năm, Chùa Vĩnh Nghiêm thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng động như:
- Nấu cơm từ thiện, mỗi ngày 500 suất cơm dành cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và người vô gia cư,…
Quý Phật tử và du khách có thể tham gia các hoạt động từ thiện ở chùa để có thêm trải nghiệm cũng như tích công đức, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
7. Lưu ý khi chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm
Khi đến tham quan, chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm bạn nên lưu ý những điều sau:
- Nên hạn chế đốt vàng mã để có thể giữ cho không khí được thoáng đãng.
- Nếu như du khách đến dâng hương thì nên sắm lễ chay, không mua lễ mặn.
- Ăn mặc kín đáo, lịch sự khi đi chùa.
- Đến chụp ảnh ở chùa thì du khách nên tạo dáng hợp lý và tránh cười đùa to.
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa thì bạn nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) còn đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Kiêng đi vào cửa Trung quan bởi vì chỉ dành cho Thiên tử và bậc cao tăng.
Du khách khi đến chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm không mua lễ mặn mà nên mua lễ chay. Đồng thời bạn cũng nên hạn chế đốt vàng mã để giữ cho không gian chùa được thoáng đãng.Ảnh sưu tầm
8. Chỗ lưu trú khi đi chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm
Nếu như bạn đang cần một chỗ nghỉ ngơi gần khu vực Chùa Vĩnh Nghiêm cũng như các điểm du lịch khác ở Sài Gòn thì có thể tham khảo danh sách sau đây:
Tên khách sạn | Địa chỉ | Giá tham khảo |
La Vela Saigon Hotel | 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh | Từ 1.755.000đ/đêm |
Saigon Hanoi Hotel | 145/8 Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh | Từ 520.000đ/đêm |
Emerald Central | 69-71 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh | Từ 870.000đ/đêm |
Dlux Saigon | 32 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh | Từ 300.000đ/đêm |
Ramana Hotel Saigon | 323 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh | Từ 1.150.000đ/đêm |
Sau khi tham quan, chiêm bái ở Chùa Vĩnh Nghiêm, du khách cũng có thể đến tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng ở gần đó như:
- Phố Tây Bùi Viện
- Phố đi bộ Nguyễn Huệ
- Dinh Độc Lập
- Chợ Bến Thành
Tất cả những địa điểm trên đều chỉ cách Chùa Vĩnh Nghiêm từ 5 – 10 phút lái xe. Chính vì thế mà du khách có thể dễ dàng kết hợp tham quan các địa điểm trên cùng lúc với Chùa Vĩnh Nghiêm.
Phố Tây Bùi Viện cách Chùa Vĩnh Nghiêm tầm 10 phút đi xe, sau khi đi chiêm bái ở chùa thì bạn có thể di chuyển đến đây để tham quan. Ảnh sưu tầm
Trên đây là những thông tin về Chùa Vĩnh Nghiêm mà chúng mình muốn gửi đến bạn. Hy vọng sau khi đọc xong những thông tin trên bạn có thể hiểu hơn về ngôi chùa Sài Gòn này là một trong những biểu tượng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thập kỷ XX.
Đăng bởi: Nguyễn Hào