- 1. Thông tin tổng quan về ngôi cổ tự hơn 300 năm tuổi – Chùa Giác Lâm Sài Gòn
- 2. Thời điểm lý tưởng để ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn
- 3. Các cách di chuyển đến chùa Giác Lâm Sài Gòn
- 4. Tham quan khám phá chùa Giác Lâm Sài Gòn
- 4.1. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hình chữ Tam độc đáo
- 4.2. Tham quan chùa Giác Lâm Sài Gòn
- 4.3. Các hoạt động tôn giáo diễn ra ở chùa
- 4.4. Thưởng thức các món chay hấp dẫn
- 5. Những điều du khách cần lưu ý khi ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn
Tham quan chùa Giác Lâm Sài Gòn – địa điểm du lịch tâm linh có tuổi đời hơn 300 năm nằm giữa lòng thành phố hiện đại là trải nghiệm khám phá thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình vi vu TP. Hồ Chí Minh.
Chùa Giác Lâm Sài Gòn là địa điểm du lịch tôn giáo thu hút nhiều du khách ghé thăm khám phá tại TP. Hồ Chí Minh. Tại ngôi cổ tự hơn 300 tuổi này, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hình chữ Tam đặc trưng của chùa chiền Nam Bộ; dạo bộ vãn cảnh trong khuôn viên xanh mát và cảm nhận bầu không khí thanh tịnh, yên bình; tham gia vào các lễ cầu an, chiêm bái…
Chùa Giác Lâm là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sài thành. Ảnh: jin02081994
1. Thông tin tổng quan về ngôi cổ tự hơn 300 năm tuổi – Chùa Giác Lâm Sài Gòn
Chùa Giác Lâm nằm ở số 565 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi cổ tự hơn 300 năm tuổi được xem là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế Tông tại khu vực miền Nam. Vào năm 1988, chùa được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Chùa Giác Lâm là ngôi cổ tự có tuổi đời hơn 300 năm ở Sài Gòn. Ảnh: jin02081994
Ngôi cổ tự được xem là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế Tông tại khu vực miền Nam. Ảnh: jin02081994
Du khách ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá những câu chuyện lịch sử – văn hóa lâu đời tại ngôi cổ tự:
– Mùa xuân năm 1744, dưới thời vua Nguyễn Phúc Khoát, ngôi chùa bắt đầu được các cư sĩ đóng góp để xây dựng. Nơi đây từng có rất nhiều tên gọi như Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm.
– Vào năm 1774, thiền sư Viên Quang đổi tên chùa thành “Giác Lâm”. Giai đoạn này, chùa trở thành trung tâm Phật giáo hàng đầu tại khu vực Nam Bộ và thu hút rất đông Phật tử.
– Năm 1798, chùa được trùng tu, mở rộng và phát triển sau hơn nửa thế kỷ xây dựng.
– Ngày 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), thiền sư Viên Quang qua đời, thiền sư Hải Tịnh lên kế vị.
– Trong giai đoạn từ năm 1939 – 1945, chùa được tiến hành trùng tu. Đây cũng là thời điểm chùa trở thành nơi trú ẩn của nhiều nhà hoạt động cách mạng.
– Năm 1953, chùa tiếp nhận cây bồ đề và viên ngọc xá lợi Phật từ Sri Lanka. 2 hiện vật này được đưa về chùa Long Vân an trí.
– Ngày 16/11/1988, chùa Giác Lâm chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Vẻ đẹp kiến trúc ấn tượng tại ngôi cổ tự hơn 300 năm tuổi. Ảnh: fazedpazed
2. Thời điểm lý tưởng để ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn
Chùa Giác Lâm Sài Gòn mở cửa đón Phật tử đến chiêm bái, cầu an và du khách ghé thăm tham quan từ 7h – 21h mỗi ngày. Trong khung giờ này sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện Phật giáo quan trọng.
Du khách nên ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn là vào các ngày mười rằm âm. Ảnh: jin02081994
Ngoài ra, nếu bạn mong muốn được hòa mình vào bầu không khí của các ngày hội Phật giáo trọng đại thì thời điểm lý tưởng để ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn là vào các ngày âm lịch: ngày 15 tháng 1, ngày 8 tháng 4, ngày 15 tháng 7, ngày 15 tháng 8…
3. Các cách di chuyển đến chùa Giác Lâm Sài Gòn
Chùa Giác Lâm Sài Gòn chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 5.5 km, vô cùng thuận lợi để du khách di chuyển đến bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô, taxi, xe ôm…
Bên cạnh đó, di chuyển đến chùa Giác Lâm Sài Gòn bằng xe bus cũng là một cách hay nếu du khách muốn tiết kiệm chi phí đi lại. Các tuyến xe bus có lộ trình đi qua khu vực chùa:
– Tuyến xe bus số 08 đi từ bến xe Đại Học Quốc Gia đến bến xe quận 8.
– Tuyến xe bus số 38 đi từ khu dân cư Tân Quy đến Đầm Sen.
– Tuyến xe bus số 145 đi từ bến xe Chợ Lớn đến chợ Hiệp Thành.
– Tuyến xe bus số 148 đi từ bến xe Miền Tây đến Gò Vấp.
4. Tham quan khám phá chùa Giác Lâm Sài Gòn
4.1. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hình chữ Tam độc đáo
Chùa Giác Lâm là công trình tôn giáo tiêu biểu cho trường phái kiến trúc hình chữ Tam đặc trưng của hệ thống chùa chiền khu vực Nam Bộ. Ngôi chùa có 3 dãy nhà ngang được nối liền với nhau, bố cục trên bề mặt hình chữ nhật gồm khu chính điện, giảng đường và nhà trai.
Chùa Giác Lâm là công trình tôn giáo tiêu biểu cho trường phái kiến trúc hình chữ Tam ở miền Nam. Ảnh: joyceta27
Các công trình kiến trúc tiêu biểu ở chùa Giác Lâm Sài Gòn:
– Cổng nhị quan: Cổng nhị quan được xây dựng vào năm 1945, nổi bật với hình ảnh hai con sư tử chầu ở hai góc cổng mang hơi hướng văn hóa Ấn Độ và đầu rắn Naga đặc trưng của Phật giáo Khmer. Chân cổng được thiết kế dạng quỳ, có hoa văn chạm nổi. Phía trên cổng nhị quan có khắc chữ Hán về truyền thuyết Ô quan Thái tử đời Đường.
Cổng nhị quan là công trình mang hơi hướng văn hóa Ấn Độ và Khmer. Ảnh: vinpearl
– Cổng tam quan: Vào thời điểm mới xây dựng, chùa không có cổng tam quan. Đến năm 1955, cổng mới bắt đầu được xây dựng với phần chính diện quay về phía Nam và trên cột trụ có chạm khắc câu đối bằng chữ Hán.
Cổng tam quan của chùa Giác Lâm được xây dựng vào năm 1955. Ảnh: itsdaxny
– Mái chùa: Kiến trúc ở chùa Giác Lâm Sài Gòn gây ấn tượng với phần mái chùa được thiết kế theo hình bánh ít thường thấy trong phong cách thiết kế chùa chiền vùng Nam Bộ. Phần mái có bốn vạt, sống thẳng và trên đỉnh mái là “lưỡng long tranh châu” – hình ảnh thể hiện sự trang nghiêm, cung kính.
– Chính điện: Chính điện là công trình chính ở chùa Giác Lâm, được xây dựng theo kết cấu một gian hai chái truyền thống, có bốn cột chính gọi là tứ trụ và được bài trí theo kiểu “tiên bái Phật, hậu bái Tổ”. Bên trong khu chính điện nổi bật với các hạng mục:
- Hệ thống hơn 56 cột to thếp vàng có trạm khắc câu đối.
- Điện thờ Phật gồm bàn Di Đà (Đặt tượng Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Thích Ca, Ca Diếp, A Nan, Di Lặc); bàn Hội Đồng (Thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) và bàn Tam Bảo (Đặt tượng Đức Phật Thích Ca cùng bốn vị bồ tát là Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi và Đại Hạnh Phổ Hiền).
- Đỉnh tường có hơn 6000 đĩa trang trí. Đĩa chủ yếu được nung từ lò gốm Lái Thiêu tỉnh Bình Dương và một số loại có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc.
Khu chính điện được bày trí theo kiểu “tiên bái Phật, hậu bái Tổ”. Ảnh: shavkat.panda
– Khu vực phía sau chính điện: Phía sau khu chính điện là bàn thờ nhà Tổ – nơi thờ các vị hòa thượng trụ trì chùa Giác Lâm Sài Gòn. Đối diện với bàn thờ Tổ là bàn thờ Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà và Thập Điện Diêm Vương. Sau gian thờ Tổ là giảng đường – địa điểm các tăng sĩ đến dự sự kiện quan trọng hoặc các dịp đại lễ trong chùa.
Trong chùa sở hữu hơn 119 pho tượng Phật. Ảnh: e_chaeyeon
4.2. Tham quan chùa Giác Lâm Sài Gòn
Tham quan chùa Giác Lâm Sài Gòn bạn sẽ được khám phá những gì? Trong suốt hành trình tham quan ngôi cổ tự 300 năm tuổi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hạng mục kiến trúc ấn tượng cùng nhiều hiện vật giá trị.
– Bảo Tháp Xá Lợi: Bảo Tháp Xá Lợi được xây dựng vào năm 1970 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng. Sau vài lần tạm dừng, đến năm 1994, ngọn tháp mới chính thức hoàn thành với độ cao 32.7m, rộng hơn 600 m2 và có kết cấu hình lục giác 7 tầng vô cùng ấn tượng.
Bảo Tháp Xá Lợi là công trình sở hữu kết cấu hình lục giác 7 tầng vô cùng ấn tượng. Ảnh: amequi93
– Ba khu tháp mộ cổ: Khu tháp mộ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, được sử dụng làm nơi thờ các thiền sư, hòa thượng và tu sĩ có nguyện vọng được chôn cất tại chùa.
– Nhiều hiện vật giá trị: Chùa Giác Lâm Sài Gòn là nơi lưu trữ rất nhiều hiện vật giá trị, tiêu biểu là 119 pho tượng: tượng Thích Ca bằng gỗ, tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng, hai tượng Thập Bát La Hán…và nhiều tác phẩm chạm khắc bằng gỗ như bàn thờ, pháp khí, đồ thờ cổ, bao lam chạm lộng, hoành phi…
Chùa Giác Lâm hiện là nơi trưng bày nhiều tượng Phật và các hiện vật quý giá. Ảnh: lisa_snowdon
4.3. Các hoạt động tôn giáo diễn ra ở chùa
Nếu bạn muốn tham gia các hoạt động tôn giáo ở chùa Giác Lâm Sài Gòn thì nên ghé thăm vào dịp lễ đặc biệt như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan…Vào những ngày tổ chức lễ, chùa thường đón tiếp rất đông Phật tử hay du khách thập phương ghé thăm lễ Phật, chiêm bái và cầu an.
Du khách muốn tham gia vào các ngày lễ Phật trọng đại nên ghé thăm vào những ngày rằm âm. Ảnh: vinpearl.
Ngoài ra, tại chùa Giác Lâm cũng diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc biệt như xin chữ ở chùa cầu may, xem ngày cưới…hoặc nếu bạn mong muốn lắng nghe thuyết giảng về Phật pháp, rèn dũa tâm tính thì có thể đăng ký các khóa tu ngắn ngày.
Người dân thường ghé thăm chùa xin chữ lấy lộc vào dịp đầu năm mới. Ảnh: 2t_vy
4.4. Thưởng thức các món chay hấp dẫn
Chùa Giác Lâm Sài Gòn nổi tiếng với nhiều món chay hấp dẫn như cơm tấm, bánh ướt chay, bánh mỳ nhân chay…Nếu bạn có cơ hội ghé thăm ngôi cổ tự trong chuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh thì chắc chắn không nên bỏ lỡ trải nghiệm này.
5. Những điều du khách cần lưu ý khi ghé thăm chùa Giác Lâm Sài Gòn
– Du khách lưu ý khi ghé thăm chùa phải mặc trang phục kín đáo, lịch sự.
– Đi nhe, nói khẽ và không gây mất trật tự trong suốt quá trình tham quan du lịch ở chùa Giác Lâm Sài Gòn.
– Không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định.
– Không tự ý động chạm vào các pho tượng Phật và hiện vật bày trí trong chùa.
– Nếu bạn đến chùa để chiêm bái, lễ Phật thì có thể chuẩn bị thêm các lễ vật tùy tâm.
Du khách ghé chùa chiêm bái, cầu an có thể mang theo các lễ vật tùy tâm. Ảnh: jin02081994
Tour du lịch TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ trở nên đáng nhớ hơn với trải nghiệm du lịch tham quan, khám phá ngôi cổ tự hơn 300 năm tuổi tọa lạc giữa lòng trung tâm thành phố nhộn nhịp – chùa Giác Lâm Sài Gòn.
Đỗ Hằng
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Đăng bởi: Sơn Trần