- 1. Món ăn trưa ở Sài Gòn nhất định phải thử
- 1.1. Hủ tiếu
- 1.2. Bánh canh cua
- 1.3. Cơm tấm
- 1.4. Cơm gà xối mỡ
- 1.5. Bánh xèo
- 1.6. Bún riêu
- 1.7. Phá lấu
- 2. Thời gian lý tưởng để du lịch Sài Gòn
Với các hàng quan siêu đa dạng cùng nền ẩm thực phong phú, ăn trưa ở Sài Gòn không còn là điều khiến bạn phải đau đầu. Tuy nhiên, vào những ngày không biết ăn gì trong chuyến vi vu của mình, hãy thử tham khảo danh sách dưới đây.
Sài Gòn được xem là trung tâm ẩm thực của khu vực Đông Nam Bộ nên các món ăn ở đây vô cùng đa dạng. Từ hủ tiếu, cơm tấm, phá lấu… món nào món nấy cũng ngon, hấp dẫn và có thể ăn hoài chẳng chán. Hãy cùng theo chân Du lịch Việt Nam để tham khảo các món ăn trưa ở Sài Gòn nào!
1. Món ăn trưa ở Sài Gòn nhất định phải thử
1.1. Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn đặc sản của Sài Gòn, hầu như khách du lịch nào tới thành phố mang tên Bác cũng đều muốn thử qua món này. Tại đây, hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng bậc nhất, được du nhập từ Campuchia sau đó biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người Việt.
Hủ tiếu là món ăn trưa quen thuộc với người dân Sài thành. Ảnh: Love_food_love_kitchen
Một tô hủ tiếu gồm những sợi hủ tiếu đã được trần mềm, các loại topping đầy đặn nào là thịt băm, tim, trứng cút… sau đó chan thêm nước dùng đậm đà, ăn kèm với rau sống để đỡ ngấy. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của xương, của thịt rất tự nhiên kèm với vị thanh mát của rau. Ăn một miếng hủ tiếu, húp một thìa nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được phần nào tinh hoa ẩm thực Sài Gòn.
Ở thành phố này có rất nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ngon. Ảnh: Lanwiththi
Một suất hủ tiếu Nam Vang nhìn thôi đã thấy thòm thèm, đầy ú ụ cho bạn bữa trưa no nê với giá từ 55.000 đồng, suất đặc biệt có thể lên tới 130.000 đồng. Du khách có thể tới hủ tiếu Nam Vang Thành Đạt (nhiều cơ sở), quán hủ tiếu Quỳnh (A65 đường Nguyễn Trãi), quán Quốc Ký (số 40, đường Trần Quang Khải)… để thưởng thức bữa trưa với hủ tiếu Nam Vang.
1.2. Bánh canh cua
Bánh canh là món ăn trưa ở Sài Gòn dân dã có mặt đã từ rất lâu và ngày càng được biến tấu đa dạng hơn với sự giao thoa văn hóa ngày nay. Quả thực, hiếm có món nào lại dễ ăn và không bị ngán như bánh canh. Một tô bánh canh có ngon hay không phụ thuộc vào ba điều là cọng bánh canh, nước lèo và các nguyên liệu ăn kèm.
Bánh canh cua được biến tấu với nhiều topping đa dạng. Ảnh: GHome
Trong tất cả các loại bánh canh, bánh canh cua dường như vẫn là loại được yêu thích nhất. Có thể nói, khắp thành phố, gần như khu chợ nào cũng bày bán món này. Thông thường, giá một tô bánh canh cua có nhỉnh hơn so với các món ăn trưa khác nhưng thực khách vẫn ưa chuộng bởi vừa no nê vừa được nếm hải sản tươi ngon.
Bữa trưa no nê với bánh canh cua. Ảnh: cơm niêu
Ngay từ khi đặt chân vào mỗi hàng quán, mùi hải sản của bánh canh cua phảng phất đã khiến bạn không kìm được lòng. Khách du lịch TP Hồ Chí Minh hãy nếm thử một chút nước dùng trước khi bắt đầu, thật đậm đà làm sao!
Giá một suất bánh canh cua Sài Gòn từ 50.000 – 130.000 đồng tùy quán. Một số địa chỉ gợi ý cho bạn như bánh canh cua Bà Ba (84/6 Đường Nguyễn Biểu), bánh canh cua 14 (221 đường Trần Bình Trọng)… Nhìn chung, bạn có thể dễ dàng tìm một địa chỉ quán ngon từ bình dân cho tới “sang chảnh”.
1.3. Cơm tấm
Cơm tấm được xem là tinh hoa trong ẩm thực Sài thành. Nếu du lịch tới đây mà bỏ qua việc thưởng thức cơm tấm thì chuyến đi của bạn quả thật là thiếu sót. Trước đây, cơm tấm vốn để “cứu đói” những người lao động nghèo nhưng đến ngày nay, cơm tấm Sài Gòn lại trở thành thứ đặc sản nổi tiếng, níu chân mọi du khách.
Cơm tấm Sài Gòn nổi tiếng khắp ba miền. Ảnh: Vinpearl
Ăn trưa ở Sài Gòn nên ăn gì? Nếu bạn đang tìm kiếm một bữa ăn trưa đầy đặn, để nạp năng lượng cho buổi chiều thì hãy thử cơm tấm. Một suất cơm tấm bao gồm cơm, sườn nướng, bì lợn, chả trứng và nước chấm.
Cơm tấm được chế biến khéo léo, với nhiều nguyên liệu quen thuộc. Ảnh: Hava.foodie
Ngoài phần cơm được nấu khéo léo, các nguyên liệu ăn kèm cũng phải được chế biến tỉ mỉ, kỳ công, có như vậy khách ăn rồi mới quay lại. Nước chấm được pha theo công thức riêng sao cho vừa miệng người ăn, thêm đường, ớt thật hài hòa. Sườn heo trong cơm tấm Sài Gòn cũng là phần kích thích vị giác của thực khách. Sườn được nướng trên bếp than cả tảng, khi chín tỏa ra hương thơm khó cưỡng.
Bữa trưa mà được ăn cơm tấm đầy đặn thì còn gì bằng. Ảnh: Afamily
Ngoài ra, cơm tấm có thể ăn với trứng lòng đào, trứng ốp la, lạp xưởng hay xíu mại…đều hợp, tùy theo sở thích của thực khách. Để tận hưởng trọn vẹn hương vị của cơm tấm Sài Gòn này thì đừng quên mỡ hành, tóp mỡ cùng đồ chua ăn kèm nhé.
Nếu vi vu Quận 1 Sài Gòn, hãy ghé cơm tấm Ba Cường (số 263 đường Trần Quang Khải), cơm tấm Bụi (số 100 Thạch Thị Thanh), quán Kiều Giang (số 192E Trần Quang Khải)… để thưởng thức.
1.4. Cơm gà xối mỡ
Trong hằng hà sa số các món cơm trưa, cơm gà xối mỡ vẫn là chân ái với thực khác, chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất. Phần cơm được chiên vàng ươm, bên cạnh là chiếc đùi gà trong chín mềm, bên ngoài vàng giòn, chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đã thấy thòm thèm rồi.
Cơm gà xối mỡ chuẩn Sài Gòn mang hương vị đặc biệt khó quên. Ảnh: Barona
Một suất cơm gà còn có thêm dưa chuột, dưa muối, nước chấm ăn kèm. Tất cả tạo nên một món ăn hoàn hảo nhất. Điểm đặc biệt của cơm gà xối mỡ Sài Gòn là phần nướng gà được rưới mỡ liên tục, nhờ thế mà gà chín đều, ráo mỡ, ăn không bị ngấy.
Cơm gà xối mỡ ăn hoài không chán. Ảnh: Infat
Cơm gà ăn nô nê là vậy nhưng giá thành khá ổn, chỉ từ 45.000 đồng. Bạn có thể tìm tới tiệm Thạch Lam (số 217 đường Thạch Lam), cơm gà Đệ Nhất (số 26 Nguyễn Biểu), quán 142 (số 142 phố Ba Đình)… nếu đang muốn tìm quán ăn trưa ở Sài Gòn bày bán món cơm gà xối mỡ siêu hấp dẫn này.
1.5. Bánh xèo
Bánh xèo có mặt ở khắp mọi nơi nhưng quả thực để thưởng thức bánh xéo đúng chuẩn thì nhất định phải đến Sài Gòn. Điểm hấp dẫn nhất ở bánh xèo chính là phần vỏ bánh giòn rụm, cắn một miếng, giòn như tan ngay trong miệng. Nhân của bánh xèo đa dạng, có thể là tôm, thịt ba rọi, giá đỗ… ăn đầy miệng mà lại không hề bị ngấy, phảng phất quanh khoang miệng còn là mùi nước cốt dừa.
Bữa trưa đổi gió với bánh xèo. Ảnh: Infat
Cách ăn bánh xèo chuẩn nhất là gói cùng bánh tráng, thêm rau sống các loại và chấm vào bát nước chấm đặc biệt. Cắn một miếng thật to, mới đã làm sao. Buổi trưa nóng bức, được ăn bánh xèo với các loại rau vừa nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo no bụng.
Bánh xèo giòn tan trong miệng. Ảnh: Cafebiz
Theo kinh nghiệm đi TP Hồ Chí Minh, ở đây bạn không khó để tìm thấy một quán bánh xèo, từ vỉa hè bình dân cho tới hàng quán tiện nghi. Du khách có thể vào bất cứ một con chợ nào cũng sẽ bắt gặp một tiệm bánh xèo ngon – bổ – rẻ.
Nếu đến đây vẫn băn khoăn chưa biết quán nào, thực khách hãy note ngay những cái tên như bánh xèo Mười Xiêm quận 5, bánh xèo Đinh Công Tráng quận 1, bánh xèo 355 quận 3… và rủ bạn bè lập team “công phá” bữa trưa nào.
1.6. Bún riêu
Bún riêu có nguồn gốc từ miền Bắc và được biến tấu phù hợp với khẩu vị người miền Nam. Ở đây, người ta thường nấu bún riêu với đa dạng các nguyên liệu bởi món ăn là sự tổng hợp hương vị của nhiều vùng, nhiều nơi.
Bún riêu ở Sài Gòn có nhiều thể loại biến tấu ngon miệng. Ảnh: Vnexpress
Về cơ bản, một tô bún riêu ăn trưa ở Sài Gòn sẽ gồm chả cua, bún rối, nước me, mắm ruốc, cà chua, dầu điều… Bún riêu thường có màu đỏ nhẹ thu hút ánh nhìn. Khác với miền Bắc, phần riêu cua trong bát bún riêu Sài Gòn lại được trộn thêm cùng lòng đỏ trứng và thịt xay, khi ăn lạ miệng.
Thông thường, ăn trưa ở Sài Gòn thực khách thường gọi suất bún riêu đầy đủ với móng giò, huyết, chả cá, chả bò, tiết, ốc… Nhiều hàng quán còn cho thêm tôm, mực… Như vậy giá thành cũng sẽ cao hơn.
Bạn có thể thưởng thức bún riêu cho bữa trưa. Ảnh: karla.foodblog
Phần nước dùng rất quan trọng và nước dùng có ngon thì bún riêu mới ngon. Nước dùng là sự hòa quyện hoàn hảo giữa vị chua – ngọt- cay, khi ăn đọng lại nơi đầu lưỡi vô cùng khó quên. Khi ăn, thực khách nhớ đừng quên thêm rau chuối thái rối, rau xà lách, tía tô để cảm nhận trọn vẹn nhất hương vị đậm đà, đê mê của món ăn này nhé.
Những tô bún riêu đỏ au kích thích vị giác. Ảnh: Toplist Ở Sài Gòn, bạn tới bún riêu cua ốc số 66 Nguyễn Thái Bình, bún riêu Bảo Lộc số 478 Võ Văn Kiệt hay phá cách với bún riêu bạch tuộc ở Nguyễn Thị Tần… cho bữa trưa sắp tới của mình.
1.7. Phá lấu
Món ăn trưa ngon ở Sài Gòn khác nhất định phải thử là phá lấu. Món này có nhiều loại biến tấu khác nhau như ăn với cơm, ăn với bánh mì, ăn với mì gói… và đều được lòng người Sài Gòn nói chung, bộ phận giới trẻ nỏi iêng bởi vừa dễ ăn, vừa ngon mà lại còn rẻ.
Phá lấu là một đặc sản của Sài Gòn, rất đáng để khách du lịch thưởng thức. Ảnh: infat
Phá Lấu xuất phát từ Trung Quốc nhưng đã tồn tại qua bao năm tháng, gắn với nhiều thế hệ, với tuổi thơ người Sài thành. Những gánh hàng rong nghi ngút khói, thơm nồng nàn mùi cốt dừa… khiến ai qua đường cũng chẳng thể chìm lòng.
Phá lấu với vị cay nhẹ, kích thích đầu lưỡi. Ảnh: Yan
Món ăn trưa ở Sài Gòn này được làm từ tim, phổi, lưỡi, lòng heo, tất cả nấu chung với nhau tạo nên một đặc sản tuyệt đỉnh. Buổi trưa nhấm nháp tô phá lấu cay xè đầu lưỡi, đi vào từng giác quan, dường như thời gian trôi chậm hơn, con người cũng bớt vội vã hơn cho bữa trưa của mình. Với những ai nghiền ăn cay thì món ăn trưa ngon ở Sài Gòn này đúng là trên cả tuyệt vời.
2. Thời gian lý tưởng để du lịch Sài Gòn
Được mệnh danh là thành phố không ngủ, bạn có thể vui chơi ở Sài Gòn bất kể ngày đêm và bất kể thời điểm nào trong năm. Đặc điểm chung về thời tiết của thành phố này là nhiệt độ cao quanh năm với hai mùa khô và mùa mưa phân hóa rõ rệt. Tuy nhiên, dù nhiệt độ cao nhưng nắng không quá gắt đến chiều tối trời có gió, mát mẻ.
Bạn có thể du lịch Sài Gòn bất kể thời điểm nào. Ảnh: Chudu24
Mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 vẫn là thời điểm TP Hồ Chí Minh thu hút đông khách du lịch nhất bởi lúc này thích hợp cho các hoạt động ngoài trời. Nếu tới thăm Sài Gòn mùa mưa, bạn chú ý mang ô, mũ để tránh bị ướt nhé.
Trên đây là toplist 7 món ăn trưa ở Sài Gòn cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều món ăn ngon cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Đăng bởi: Thủy Nguyễn