Tag Archives: trường lê quý đôn

Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn

Trường Trung Học Phổ Thông Lê Quý Đôn là một trường trung học công lập xưa nhất Sài Gòn, được thành lập năm 1874, với tên gọi ban đầu Collège Chasseloup-Laubat.

Trường Collège Chasseloup-Laubat năm 1905. Ảnh: Internet
Trường Collège Chasseloup-Laubat năm 1905. Ảnh: Internet

Buổi đầu thành lập

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, ngày 14 tháng 1 năm 1874, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn Đô đốc (Contre-amiral) Pháp Jules François Emile Krantz (1821-1914) đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những thực dân người Pháp tại Sài Gòn. Chương trình giảng dạy theo chính quốc, dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp). Trường sở được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène, có nghĩa là trung học bản xứ. Bấy giờ trường chưa có tên chính thức nên gọi bằng tên này, còn người dân gọi là trường Khải Tường vì nằm trong khu đất của chùa Khải Tường cũ. Không lâu sau, cái tên Collège Chasseloup-Laubat được dùng thay thế tên cũ là vì tên này đặt theo tên của ông Francois Marquis de Chasseloup-Laubat (1754-1833), là Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (Bộ Thuộc địa) thời điểm ấy. Mặc dù là một trường dành cho người có quốc tịch Pháp nhưng trường còn có tên là Bổn Quốc Sài Gòn, khác với các trường bản xứ khác.

Trường dành cho học sinh người Pháp và bản xứ có quốc tịch Pháp Ảnh: Internet
Trường dành cho học sinh người Pháp và bản xứ có quốc tịch Pháp
Ảnh: Internet

Cũng như mục đích thành lập trường là để phục vụ nhu cầu đào tạo con em của thực dân Pháp, thời gian đầu đi vào hoạt động, trường chỉ nhận học sinh người Pháp. Việc mở rộng nhận học sinh người Việt vào đầu thế kỷ 20. Nói là học sinh Việt nhưng phải có quốc tịch Pháp mới được vào học. Lúc bấy giờ trường cũng được chia làm hai khu riêng biệt nhưng đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp: khu dành cho học sinh Pháp (còn gọi là Quartier Européen) và khu dành cho học trò Việt là Quartier indigène (khu bản xứ). Học sinh Việt được học tiếng Việt.

Buổi sinh hoạt của học sinh trong sân trường. Ảnh: Internet
Buổi sinh hoạt của học sinh trong sân trường. Ảnh: Internet

Hoạt động yêu nước

Vào năm 1926, những học sinh người Việt đã viết lên bảng 4 chữ A.B.L.F, viết tắt câu “A bas les Français” (nghĩa là “Đả đảo thực dân Pháp”) trong một lần bãi khoá để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.

Phân hiệu Collège de Cochinchine

Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương G. Gal ra một nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine. Phân hiệu này được đặt dưới sự điều hành của Ban Giám đốc Trường Chasseloup Laubat và môt giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu.

Ngày 11 tháng 8 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương tạm quyền René Robert ký nghị định số 3116 gồm 6 điều, thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929 một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh của Collège Chasseloup Laubat nói trên vào trường này, có sát nhập một hệ Trung học Đệ nhị cấp bản xứ (Lycée) để thành lập một trường mới, về sau có tên là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, hay trường Petrus Ký.

Thời VNCH

Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau (tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào “Ánh Sáng” thế kỷ XVIII) dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, trường được trả lại cho Việt Nam và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau 1975, trường Lê Quý Đôn vẫn được giữ tên như cũ.

Kiến trúc

Khuôn viên
1. Cổng chính vào sân trường – 2. Lối đi bộ – 3. Lối đi cho xe đạp và xe máy – 4. Văn phòng hiệu trưởng – 5. Sân các lớp tiểu học
Hình ảnh được chụp lại từ Google Earth và chú thích theo Georges Nguyen Cao Duc, thành viên Hội Ái hữu cựu học sinh trường Lê Quý Đôn) tại Pháp.

Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn gân như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”. Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường sở được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa. Dựa trên nền kiến trúc cổ, hiện tại trường sở đã xây thêm một số công trình phụ gồm nhà luyện tập thể thao và 10 phòng học kiểu mới. Tính truyền thống và hiện đại được nhà trường chú ý ngay trong khâu thiết kế và trang trí, vì thế ngôi trường Lê Quý Đôn vẫn mang đậm nét cổ kính.

Một số giáo viên và học sinh tiêu biểu thời Pháp

Hình cựu học sinh khoa Triết năm 1954. Ảnh do bác Nguyen Huu Khanh cung cấp. Nguồn: diendanlequydon.com
Hình cựu học sinh khoa Triết năm 1954.
Ảnh do bác Nguyen Huu Khanh cung cấp.
Nguồn: diendanlequydon.com

Nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển đã từng học ở ngôi trường danh giá Collège Chasseloup-Laubat. Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire (cao đẳng tiểu học), ông làm chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi trong 20 năm (từ 1923 đến 1943), trong đó có Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20 của Việt Nam Nguyễn An Ninh trước theo học ở Trường Taberd, Collège Mỹ Tho sau đó học tại Trường Collège Chasseloup-Laubat. Nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng tú tài.

Trường Collège Chasseloup-Laubat còn là nơi đào tạo một người từng tham gia đánh phát xít Đức ở châu Âu trong đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918). Đó là ông Cao Triều Phát (1889-1956). Thuở nhỏ ông Phát học tiểu học tại quê nhà Bạc Liêu, sau lên Sài Gòn theo học tại trường này. Nhà trí thức yêu nước ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20 và đồng thời là một kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Đó là ông Lưu Văn Lang (1880-1969) cũng từng học ở ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn. Ông Lang thi đậu tú tài 2 của Pháp với điểm số xuất sắc và nhận học bổng học tại Trường École Centrale de Paris (trường bá nghệ trung ương Pháp lúc bấy giờ). Năm 1904, ông tốt nghiệp với tấm bằng ưu, xếp hạng thứ 8/250 sinh viên và trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.

Ngoài ra còn có Trịnh Công Sơn (nhạc sĩ tân nhạc nổi tiếng), Trần Văn Giàu (nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và là nhà giáo Việt Nam), Dương Văn Minh (Tổng Thống cuối cùng của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa),.v..v..

(Tổng hợp)