Category Archives: Hàng quán cũ

Người bán xôi qua 6 thập niên

Bà ngồi đó, bền bỉ suốt gần 60 năm với gánh xôi, mặc cho bao đổi thay của cuộc sống.

Quê tận Hải Phòng, di cư vào nam năm 1954, bà Nguyễn Thị Kiệm nay đã bước sang tuổi 81 và vẫn ra góc đường Lê Thánh Tôn – Pasteur ngồi bán xôi từ tinh mơ. Góc đường đông xe cộ vào giờ đi làm, chốc chốc lại có người ghé vào mua vội gói xôi bắp để kịp giờ đến nơi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Kiệm
Tôi chỉ sống bằng nghề bán xôi giản dị đâu ngờ được nhiều người quan tâm quá. Nghĩ lại cũng thấy vui. Có lẽ do mình tận tụy với công việc, hết lòng với nó nên mọi người trân trọng chăng?

Bà Kiệm, chậm rãi rọc từng chiếc lá chuối, ép thẳng thớm bằng đôi bàn tay già nua, nhăn nheo vì tuổi tác. Người con gái thứ năm, không chồng con, sống với bà tại ngôi nhà trong con hẻm nhỏ tận đường Lê Văn Sỹ, Q.3 sáng sáng phụ bà bán từng gói xôi nhỏ.

“14 tuổi tôi đã mồ côi. 23 tuổi một thân một mình từ bắc vào nam không đồng xu dính túi. Đất Sài Gòn đón tôi bằng duy nhất một cơ hội: kiếm sống với nghề nấu xôi bắc do gia đình truyền lại”, bà Kiệm nói bằng giọng chậm rãi.

Chồng bà, nay đã 84 tuổi vẫn còn sống, trước là thợ hồ, cùng bà nuôi 11 người con. “Năm 1954 cũng là thời điểm tôi lập gia đình, sinh con trai đầu lòng. Tôi chỉ buồn là làm cha làm mẹ mà không cho con được một tuổi thơ đẹp đẽ. Ngày đó, nghèo quá, đứa con trai đầu phải phụ mẹ ẵm em, đi chợ, nấu ăn, làm tất tần tật công việc của một người phụ nữ. Rồi đứa lớn cứ thế trông đứa nhỏ. Nay cháu nội tôi đã 30 tuổi, tôi cũng có chắt rồi”, bà kể.

Gánh xôi bắp hiếm hoi giữa Sài Gòn

Để có gánh xôi nóng thơm ngậy mùi đậu xanh, hành phi, bà phải thức dậy từ 2 giờ sáng để nấu. Gánh xôi của bà có 2 loại: xôi bắp bắc và xôi vò. Nấu được nồi xôi bắp, bà cho biết phải qua nhiều công đoạn. Bà mua trữ nguyên liệu mỗi lần cả tấn để dành phòng khi khan hiếm. Bắp khô ngâm nước nấu qua ba lần lửa. “Phải hầm thật lâu bắp mới nở hết và mềm. Thấy vậy chứ nấu một nồi bắp không hề đơn giản, vì dễ bị chai cứng. Đậu xanh ngâm nước, đãi vỏ, hấp chín rồi cho vô cối giã nhuyễn. Còn hành phi cũng tự tay tôi làm suốt 60 năm qua. Ngày xưa tôi dùng dầu ô liu phi hành nhưng giờ đắt quá nên đổi qua dầu đậu nành”, bà tiết lộ.

Để có hương vị đặc trưng của món xôi bắp bắc, bà buộc phải gói bằng lá chuối xanh. Lá chuối giờ vẫn đặt mua tận Bà Điểm, Hóc Môn nhưng ngày càng hiếm. Ngày xưa bà dùng lá dứa gai làm muỗng múc xôi bán cho cho khách, nay cây đó không còn ai trồng nữa nên đành thay bằng muỗng nhựa.

Những ngày giáp tết cổ truyền, bà Kiệm còn gói thêm bánh chưng để bán. Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) bà làm thêm món cơm rượu bán với xôi vò. Khách đến gánh xôi của bà đa số là người quen, sinh viên, học sinh, công chức, đủ mọi thành phần. Bất kể mưa nắng, sáng nào người dân Sài Gòn đi ngang đây đều thấy bà ngồi với gánh xôi nghi ngút khói. “Ngày xưa lúc mới bán, lại còn trẻ, tôi đội thúng xôi trên đầu đi bộ từ cầu Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) sang tận đây. Sau vì tuổi cao, nên tôi đi xe buýt đến tận bây giờ. Đời mình đã khổ, thôi còn sức thì ráng làm, được đồng nào hay đồng đó, lo cho con cho cháu”, bà Kiệm cười khoe hàm răng đen bóng.

Người bán xôi qua 6 thập niên

Bà Nguyễn Thị Kiệm bán xôi
Bà Kiệm bên gánh xôi ở góc đường Lê Thánh Tôn – Pasteur (TP.HCM). Ảnh: Đ.T

“Thế sao bà không bán gần nhà cho tiện hay tìm góc phố khác đông người để bán nhiều xôi hơn?”, tôi hỏi. “60 năm ngồi đâu quen đó rồi chú ơi! Xa chỗ này tôi chịu không được. Bao nhiêu năm dù chỉ là người buôn gánh bán bưng, tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của thành phố. Những tháng năm dân chúng Sài Gòn biểu tình chống chế độ ông Thiệu cũng đến đây mua xôi của tôi. Rồi ngày giải phóng mấy chú bộ đội tiếp quản thành phố, đóng quân bên kia đường, quý tôi lắm, sáng nào cũng chạy sang đây ăn gói xôi bắp bắc cho đỡ nhớ nhà”. Cuộn phim đời mãi chạy trong ký ức người phụ nữ có gần 60 năm dài sinh sống tại thành phố này như một chứng nhân sống của lịch sử.

Nhiều phóng viên báo nước ngoài tìm gặp bà, xin phỏng vấn rồi ghi hình. “Tôi chẳng biết là báo nào vì có rành tiếng Tây tiếng u gì đâu, nhưng thấy họ quý mình nên cũng vui”. Ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp của bà rộn vang tiếng cười khi đón tiếp những nhà báo đó. “Tôi chỉ sống bằng nghề bán xôi giản dị đâu ngờ được nhiều người quan tâm quá. Nghĩ lại cũng thấy vui. Có lẽ do mình tận tụy với công việc, hết lòng với nó nên mọi người trân trọng chăng?”, bà nói, giọng nhẹ bâng giữa dòng xe cộ đông đúc ngược xuôi ở Sài Gòn.

Đỗ Tuấn (báo Thanh Niên)

70 năm một hàng chè

Chỉ là một hàng chè như hàng trăm hàng ngàn hàng chè khác ở Sài Gòn, nhưng với tôi nơi đây chứa đầy ký ức của tuổi thơ, ngày tôi và thằng em cười vang mỗi khi được ba mẹ đạp xe chở xuống khu Chợ Lớn nhấm nháp món khoái khẩu.

Ký ức xa xưa

Nếu gia đình bạn từng thưởng thức món ngon nào trải qua 4 thế hệ, ắt hẳn bạn không thể quên. Mấy mươi năm trước, ông bà nội từng dắt ba tôi đến ăn chè vào những ngày hè oi ả. Nay tôi tiếp tục dẫn con mình đến đây.

Hàng chè nằm lọt thỏm trong khoảnh sân nhỏ trước trạm biến áp cũ kỹ trên đường Trần Hưng Đạo B, TP.HCM, đoạn qua ngã tư Châu Văn Liêm gần đến chợ vải Soái Kình Lâm, được người dân quanh đây gọi bằng cái tên thân mật: Quán chè nhà đèn.

Chị Lý Thanh Hà là cháu gọi người tạo ra hàng chè này từ những năm 30 thế kỷ trước là cụ cố. Qua lời kể của mẹ và bà ngoại, chị Hà kết nối lại câu chuyện của dòng họ. Năm 1936, bà Phùng Hạnh Phan hồi ấy là cô gái tuổi đôi mươi, quá hoảng sợ trước cảnh khủng khiếp mà chiến tranh gây ra tại ngôi làng quê hương tận Quảng Đông (Trung Quốc), đã quyết định cùng hai người bạn gái trốn đi sau khi cả gia đình bị giặc giết. Đơn thân, lại là gái nhưng bà Phan vẫn chấp nhận xa xứ vì không còn lựa chọn nào khác. Bà nhận một bé gái mới vài tháng tuổi làm con nuôi, đặt tên Lý Ái Quỳnh. Sau nhiều lần đắn đo, bà quyết định ẵm con sang Việt Nam lánh nạn.

Chị Lý Thanh Hà bên xe chè của gia đình - Ảnh: Đ.T
Chị Lý Thanh Hà bên xe chè của gia đình – Ảnh: Đ.T

Không tiền, không nghề nghiệp, bà lặn lội đến Hà Nội rồi Hải Phòng bằng đường bộ, làm đủ mọi cách để sinh nhai trên đôi chân trần và hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, môi trường sống khó khăn nên bà Phan và hai người bạn gái nghe theo lời nhiều người mách bảo, tìm đường vào Sài Gòn lập nghiệp. Dồn hết những đồng tiền cuối cùng, nhóm bà Phan lên tàu thủy ở Hải Phòng xuôi vào nam. Đến Sài Gòn, đất lạ quê người, cuộc sống cũng chẳng khá hơn. Giấc ngủ đến với bà cứ chập chờn đầy ác mộng kinh hoàng về chiến tranh, chết chóc và cả những ngày đen tối trước mắt.

Cái đói bắt đầu hoành hành, lại phải ở lề đường, đôi lúc bà không còn thiết sống. Năm 1938, khi mà mọi nguồn sống gần như bế tắc, bà Phan nấu đại một nồi chè đậu xanh ngồi ở góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) – Nguyễn Trãi bán cho khách hàng trong khu phố. Món chè của bà nhanh chóng được mọi người gần xa ưa thích và tìm đến. Có chút tiền, bà mướn tạm căn phòng nhỏ trên lầu một khu chung cư kế bên trạm biến thế để tá túc. Dần dà bà sắm được xe chè. Hằng đêm, khi thành phố tĩnh lặng, bà lặng lẽ đẩy xe về cất tại sân phía trước trạm.

Nhưng chuyện mưu sinh không hề đơn giản. Chính quyền Pháp truy quét nạn buôn bán trên lề đường. Thấy khoảnh sân trước trạm biến áp còn trống, bà Phan đành “xí” đại, lòng cứ thầm cầu nguyện chính quyền ngó lơ. Hơn 70 năm sau, hàng chè này vẫn ở vị trí cũ, với xe chè bà Phan đã dành dụm mua từ ngày đầu lập nghiệp, giờ thành “đồ cổ”…

Hàng chè bốn thế hệ

Hàng chè bà Phan có nhiều món nấu khá lạ. Cũng là sâm bổ lượng, hạnh nhơn, chè đậu xanh, đậu đỏ, hột gà chưng (như một loại bánh flan), hột gà nấu trà đường, chè hạt sen, đậu phộng, chè mè đen, nhãn nhục, bạch quả, củ năng… nhưng hương vị rất đặc trưng.

Những ngày cuối tháng 4.1975, quán chè vẫn phục vụ khách, không nghỉ hôm nào dù thành phố vừa được giải phóng. “Mẹ tôi kể lại lúc đó, làm gì có nguyên liệu để nấu chè, phải mua đường tán hay đường thùng đen kịt về nấu mà còn khó kiếm. Mẹ phải đạp xe đến tận Xa cảng Miền Tây để nhờ bạn hàng quen mua nguyên liệu từ các tỉnh nhưng lúc có lúc không. Tết Mậu Thân 1968, bà ngoại buộc phải nghỉ bán vì chiến tranh ác liệt quá. Chiến sự lan đến tận từng ngôi nhà, khu phố, dân chúng sơ tán khắp nơi, ai mà còn thiết tha đến chuyện ăn chè. Sau khi tình hình yên ắng trở lại mới tiếp tục công việc”, chị Lý Thanh Hà kể.

Bà Phan già yếu rồi qua đời. Bà để hàng chè lại cho con cả của bà Lý Ái Quỳnh là Lý Tô Hà tiếp tục đứng bán. Đó là thập niên 80-90 thế kỷ trước. Nay bà Lý Tô Hà cũng đã lớn tuổi, lại bị bệnh tim, không thể tiếp tục công việc nên giao lại cho người con gái rồi tiếp tục đến cháu. Các cô được mẹ, bà truyền lại bí quyết của nghề nên vẫn giữ được hương vị truyền thống của hàng chè năm xưa. “Gia đình tôi bốn đời bán chè. Nơi đây đã trở thành “nhà”, quá thân quen với dòng họ dù chỉ là một cái sân nhỏ xíu. Gia đình chúng tôi sống lương thiện bằng hàng chè này. Nó nuôi sống nhiều thế hệ”, chị Thanh Hà nói.

Năm tháng qua đi… Cuộc sống thay đổi nhưng vẫn còn đó một hàng chè, như thách thức với thời gian khắc nghiệt. Cũng như tôi, nhiều khách đến đây ăn chè từ ngày bé tí đến lúc trưởng thành rồi sinh con đẻ cái. Hàng chè không còn là điểm bán thức ăn mà trở thành nơi dung chứa ký ức. Ngồi đây ăn chè, nhìn các con tôi chợt nhớ đến ba mẹ, ông bà mình. Và tôi nhận ra rằng một hàng chè sẽ trở thành bất tử nếu nó gắn chặt với cuộc đời của mỗi người.

Đỗ Tuấn (báo Thanh Niên)

Bánh cuốn Tây Hồ

Bà Trần Thị Cà
Lễ mừng thọ 75 tuổi của bà Trần Thị Cà. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Thương hiệu bánh cuốn Tây Hồ đã được thành lập từ năm 1961 bởi cụ bà Trần Thị Cà  (1919 – 1996). Bí quyết món ăn đã được truyền từ những công thức đặc biệt của gia đình.

Hàng bánh cuốn này thật ra không có tên, người ta gọi như thế là vì lúc mới ra hàng này đặt cơ sở trong sân đền thờ cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh bên cạnh chợ Đakao.  Sau này, khách tới ăn nói cho gọn lại là bánh cuốn Tây Hồ.

Sau 1975, cửa hàng dời ra một căn phố nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng, gần ngã ba với đường Huỳnh Khương Ninh.  Bánh cuốn Tây Hồ ngon nhờ cuốn ăn liền tại chỗ, bột rất mỏng, nhưng ngon vì làm bằng thịt heo tươi, trộn nấm mèo và củ hành xắc nhuyễn, nước mắm chanh pha rất loãng nhưng vừa miệng nên có thể chan nhiều. Nơi đây có bán tinh dầu cà cuống. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi đặc biệt gần giống như mùi quế. Khi ăn chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước mắm là sẽ có mùi đặc trưng của cà cuống ngay.

Cà cuống là một loại côn trùng nhìn giống con gián. Tại miền Nam trước 1975 cà cuống xuất hiện nhiều, dễ bắt nên tại Sài Gòn có nhiều nơi bán bánh cuốn, bánh ướt, bún có sử dụng kèm nước mắm cà cuống. Ngày nay, do quá trình đô thị hóa nên diện tích ao hồ thu hẹp lại, cà cuống cũng khó tìm như xưa. Cho nên tinh dầu cà cuống cũng khá mắc và ít nơi sử dụng.

Hiện nay, khi đến ngã ba Huỳnh Khương Ninh và Đinh Tiên Hoàng sẽ bắt gặp 2 quán có cùng tên là bánh cuốn Tây Hồ nằm gần nhau. Quán bên trái là chính gốc ngày xưa của bà Cà, do cô Nhỏ quản lý. Quán bên phải là của cô Lớn – chị của cô Nhỏ – tách ra làm riêng. Quán của cô Nhỏ còn mở thêm chi nhánh ở đường Phan Xích Long và hiện nay kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Bánh cuốn Tây Hồ
Bánh cuốn Tây Hồ (cô Nhỏ). Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Địa chỉ:

Bánh cuốn Tây Hồ (cô Nhỏ):

  • Chi nhánh 1: 127 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn.
  • Chi nhánh 2: 271 ( Số cũ 51) Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Bánh cuốn Tây Hồ (cô Lớn): 129 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn.

(Tổng hợp)

Cà phê Thái Chi

Cà phê Thái Chi ngày nay
Cà phê Thái Chi ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Cà phê Thái Chi ở khúc đầu đường Nguyễn Phi Khanh, phía sau rạp chiếu bóng Casino Ðakao (sau 1975 đổi thành rạp Cầu Bông và hiện nay không còn là rạp chiếu bóng nữa – HNVĐ). Quán cà phê Thái Chi là một căn nhà phố nhỏ bé, bàn ghế thấp trên nền nhà cao, tinh tươm sạch sẽ. Quán không biển hiệu, mọi người gọi tên quán bằng tên bà chủ quán: bà Thái Chi.

Những năm 1960-1970, tới uống cà phê Thái Chi đa số là khách quen: những công chức ngành phát thanh truyền hình, sĩ quan quân đội, văn nghệ sĩ … và đa số là người miền Bắc (dân Hà Nội cũ), gặp nhau mỗi sáng, uống một tách cà phê nóng để nói đủ thứ chuyện trên đời. Bà chủ quán Thái Chi, không rõ bao nhiêu tuổi (có ai hỏi tuổi phụ nữ bao giờ), đối đáp với bất cứ người khách nào, dù khách trọng tuổi, cũng xưng là “chị”.

Thời gian đầu chúng tôi tới quán cà phê Thái Chi, thường nghe bà chủ quán nhắc nhở khách uống cà phê đừng tựa đầu sát vách tường. Thì ra, bà Thái Chi không chịu được vách tường quán cà phê của bà hoen ố bởi những người khách chải tóc bằng dầu bóng.

Thời gian sau, không nghe bà chủ quán nhắc nhở khách như vậy nữa: ở vách tường, đã được dán lớp simili như dải ruy-băng chỗ khách thường tựa đầu. Bà pha chế cà phê phía sau một bức vách ngăn, mang ra cho khách. Ai nóng vội, loay hoay với cái phin để làm sao cho cà phê mau nhỏ giọt xuống cái tách, bà can thiệp liền. Khách uống cà phê Thái Chi mặc nhiên phải hiểu rằng, chỉ bắt đầu uống cà phê khi chính bàn tay bà chủ quán đã nhấc cái phin ra khỏi tách. Chúng tôi nhiều lần nghe bà cằn nhằn những người khách, dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn bà, khi những người khách ấy “vi phạm luật lệ” uống cà phê tại quán Thái Chi.

Cà phê Thái Chi không lúc nào vắng khách, có lẽ chính vì cái “tinh thần trách nhiệm” của chủ quán trước tách cà phê dành cho khách uống và cái tinh tươm sạch sẽ của quán. Chúng tôi và nhạc sĩ Anh Việt Thu, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhà thơ Phạm Lê Phan (cả ba người đều đã qua đời), sáng nào trước khi tới cơ quan làm việc (Phòng Văn Nghệ thuộc Cục Tâm Lý Chiến) đều ghé uống tách cà phê ở quán bà Thái Chi khó tính. Những ngày kỷ niệm lễ lạt gì đó, hầu như cả Phòng Văn Nghệ chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê Thái Chi, trong đó gồm cả đại úy phó phòng và thiếu tá trưởng phòng, nhà thơ Tô Thùy Yên.

Bà Thái Chi đã mất trên 30 năm. Sau ngày 30 tháng 4, mấy người cháu của bà tiếp tục mở cửa quán. Quán vẫn giữ cách bày trí như xưa, vì bên trong nhà chỉ đặt được 4-5 cái bàn nhỏ nên giờ phải bày thêm ra cả vỉa hè. Tuy nhiên quán đã không còn không khí cũ nữa, nhất là không còn bà Thái Chi nhấc từng cái phin cà phê ra khỏi tách để khách uống. Và cũng không ai còn nhắc, nhớ: đây là quán cà phê của “bà chị” Thái Chi khó tính – từng được xem là một quán cà phê cá tính, đáng nhớ của Sài Gòn.

Tổng hợp từ 2 bài trên báo SGGPNgười Việt của tác giả Nguyễn Đạt

Thông tin thêm của HNVĐ: quán cà phê Thái Chi hiện nay nằm ở số 5 đường Nguyễn Phi Khanh, phường Đa Kao, quận 1. Quán chỉ bán cà phê vào buổi sáng. Buổi chiều tối là quán ốc cũng do những người cháu của bà Thái Chi đứng ra bán.

Thạch chè Hiển Khánh

Khách đến tiệm chè Hiển Khánh không chỉ ăn chè, đọc thơ mà còn tìm về ký ức. Ảnh: báo Đất Việt

Tiệm chè Hiển Khánh ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là ông Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai ông giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản.

Ban đầu, tiệm chè Hiển Khánh mở ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông nhưng quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) từ năm 1965 và duy trì đến bây giờ. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.

Theo một số cựu học sinh các trường trung học Gia Long, Chu Văn An, Petrus Ký, sinh viên các trường đại học, cao đẳng vào thập niên 1965 – 1975, họ bị Hiển Khánh “mê hoặc” bởi cách trang trí thơ và câu đối do ông chủ tiệm sáng tác. Những bài thơ ca ngợi sự bổ dưỡng của hai món chủ lực là thạch trắng và đậu xanh, hoặc giải thích ý nghĩa bánh lá gai, bánh phu thê… do 2 ông chủ cảm tác và treo trên vách. Đây không những là nơi tụ hội của những người mê chè mà còn là nơi của nhưng tâm hồn yêu thơ gặp nhau. Trong tiệm có 1 bài thơ do thực khách đề tặng chủ quán như một lời cảm mến đến thương hiệu gắn bó với nhiều thế hệ này:

“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương
Ba thế hệ rồi khách vẫn thương
Á Âu đi về tìm bảng hiệu
Bắc Nam qua lại nhớ tên đường”

Anh Văn Minh Hồng, 57 tuổi, từ California (Mỹ) về, cưỡi xe máy tìm đến tiệm chè Hiển Khánh xem có thay đổi gì không. Theo thói quen ngày trước, vào tiệm, anh gọi ngay chén thạch trắng rồi ngồi đảo mắt nhìn quanh quán như tìm lại ký ức. Anh nói với chị Nguyệt Minh: “Thơ vẫn treo trên tường, những bộ bàn ghế cũ, thấp vẫn nguyên vẹn” như khen chủ nhân đã giữ gìn cẩn thận những hình ảnh thân quen ấy suốt 40 – 50 năm nay.

Cũng chừng ấy thời gian, chủ tiệm này không hề nhượng quyền thương hiệu cho ai, cũng không có người ruột thịt nào mở tiệm ở nước ngoài nhưng bảng hiệu chè Hiển Khánh xuất hiện khá nhiều ở Mỹ. Còn tiệm chè Hiển Khánh anh đang ngồi có đến mười loại thạch khác nhau, bán thêm sâm bổ lượng, chè bạch quả, sữa chua, rau câu nhưng vẫn giữ đặc trưng: Chè Hà Nội không có nước cốt dừa như chè Nam Bộ, khi bưng lên cho khách luôn có chén đá bào kèm theo.

Thơ về bánh lá gai do ông Nguyễn Quý Quyền cảm tác
Thơ về bánh lá gai do ông Nguyễn Quý Quyền cảm tác. Ảnh: HonNgocVienDong.vn
Thơ về bánh phu thê do ông Nguyễn Quý Quyền cảm tác
Thơ về bánh phu thê do ông Nguyễn Quý Quyền cảm tác. Ảnh: HonNgocVienDong.vn
Thơ về chè đậu xanh do ông Trần Nghệ cảm tác
Thơ về chè đậu xanh do ông Trần Nghệ cảm tác. Ảnh: HonNgocVienDong.vn
Thơ về thạch trắng do ông Trần Nghệ cảm tác
Thơ về thạch trắng do ông Trần Nghệ cảm tác. Ảnh: HonNgocVienDong.vn
Bài thơ do thực khách yêu mến chè Hiển Khánh đề tặng
Bài thơ do thực khách yêu mến chè Hiển Khánh đề tặng. Ảnh: HonNgocVienDong.vn

Tổng hợp từ Đất Việt và HonNgocVienDong.vn

Bánh mì Hòa Mã

Quán bánh mì Hòa Mã khi xưa. Ảnh: báo Đất Việt

Gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.

Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối…). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa-tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.

Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 – 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 – 10 đồng.

Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.

Từ ngày mở tiệm bánh mì Hòa Mã vào năm 1960, đến nay, cụ Nguyễn Thị Tịnh vẫn còn cùng con cháu đứng bán bánh mì. Ảnh: báo Đất Việt

Ngày nay khi có dịp ghé ngang số 53 Cao Thắng, bạn sẽ thấy tiệm vẫn còn giữ nguyên bảng hiệu ngày xưa khi tiệm dời về đây vào ngày 1-12-1960, bảng hiệu phai mờ theo thời gian và không còn nhìn rõ chữ nữa. Cụ Tịnh vẫn còn đứng bán bánh mì cùng con cháu. Bên trong vẫn còn kê vài chiếc bàn cùng những dĩa thịt nguội cho thực khách ăn tại chỗ.

Tổng hợp từ Tuổi Trẻ và Đất Việt

Quán mì Thiệu Ký (Tư Ky) – 70 năm một quán mì giữa Sài Gòn

Chẳng ai còn nhớ rõ món mì có ở Sài Gòn từ bao giờ, chỉ biết rằng món ăn này theo bước chân di cư của người Hoa sang nước ta từ những năm 30 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, món mì chuyển biến theo dòng thời gian với nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có một quán mì mang tên Thiệu Ký ở khu vực quận 11 của Sài Gòn tồn tại gần 70 năm qua vẫn giữ nguyên mùi vị ban đầu…

Chỉ có sự đổi thay ở những người đứng bán vì quán mì này đã có tuổi hơn một đời người và được truyền qua ba thế hệ.

Image
Xe mì Tư Ky ở hẻm 66, Lê Đại Hành

Ăn mì ở hẻm Tư Ky

Nếu có dịp đi ngang đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM khúc giao lộ Thuận Kiều, Trần Quý, Hoà Hảo, có thể thấy cuối con hẻm 66 lúc nào cũng có thực khách ngồi kín các bàn ăn. Đó là khách đến ăn mì Thiệu Ký, xe mì được đặt sâu tận cuối hẻm nhưng lúc nào cũng có đông khách. Thiệu Ký là tên chính của quán mì này, nhưng dường như nó không được ai biết đến. Người ta quen gọi nó là mìTưKyvì người sáng lập ra quán mì này tên làTưKy.

Quán mì do một thanh niên người Hoa mở ra vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi người thanh niên này vừa mới đến Sài Gòn và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để khởi nghiệp. Cái tên Tư Ky hiện giờ đã quen thuộc đến mức người ta gọi hẻm 66 đường Lê Đại Hành là hẻm Tư Ky. Chủ quán hiện giờ là ba anh em gọi ông Tư Ky bằng ông ngoại. Và người có thâm niên nhất trong ba anh em này là anh Đặng Phiếu với kinh nghiệm làm mì và đứng bán quán mì khoảng 40 năm. Đầu tiên, quán mì chỉ là gánh mì nhỏ bán quanh khu vực này, sau đó được nâng cấp thành xe mì và cũng được đẩy rong quanh khu người Hoa. Sau năm 1975, xe mì Thiệu Ký yên vị ở cuối hẻm 66. Đến nay đã đổi đến chiếc xe thứ ba, chiếc xe đẩy cuối cùng được thay đổi cách đây khoảng 7 – 8 năm. Đến nay, quán mì này đã được truyền lại đến đời thứ ba. Hơn 70 năm qua, quán mì Tư Ky luôn đều đặn mở cửa từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm, kể cả những ngày lễ, tết.

Bí quyết cho một tô mì ngon

Ăn mì Tư Ky không giống mì ở bất cứ nơi nào vì mỗi ngày cháu ngoại ông Tư Ky phải mất khoảng ba giờ để biến bột nguyên liệu, trứng và phụ gia thành sợi mì. Tại quán mì Thiệu Ký, mỗi ngày cứ vào khoảng 2 giờ chiều là quy trình làm mì tươi lại được tiến hành, kéo dài đến 5 – 6 giờ chiều để cho ra khoảng 18kg mì tươi. Sợi mì phải được làm từ bột mì trộn cùng trứng vịt và nước tro tàu, ủ một thời gian cho dậy bột, sau đó mang bột đi cán và cắt sợi.

Như các nơi bán hủ tíu mì khác, mìTưKycũng có giá, có hẹ và xàlách kèm theo nhiều loại phụ gia, nhưng người ăn sẽ thấy lạ là mì không bị nở dù cho có ăn chậm thế nào. Cọng mì rất giòn và lạ nữa sẽ không làm thực khách khó chịu vì bị dính răng. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một thực khách lâu năm của quán mì Thiệu Ký cho biết, chị ghiền món mì sườn ở đây không chỉ bởi sườn ngon và nước lèo thơm ngọt mà còn vì cọng mì giòn, dai mà vẫn mềm và không bị nở nhão nên không có cảm giác bị ngán. Nếu ăn mì khô ở đây mà bỏ qua chén nước lèo trong vắt, đầy hành nhưng thật ngọt, thật ngon thì sẽ lãng phí lắm. Khác với người Việt có thói quen dùng chanh, người Hoa lại thích dùng giấm đỏ và nếu thiếu giấm đỏ thì không thể làm nên hương vị mì Tàu. Vì vậy, thực khách cũng đừng quên cho thật nhiều giấm đỏ vào mì khô, cũng chẳng ai giải thích được rằng tại sao cho nhiều giấm đỏ thì mì sẽ ngon hơn. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm riêng mà ai đã từng một lần ăn mì ở đây sẽ khó mà quên được.

Ngoài việc duy trì truyền thống gia đình, nghề bán mì cũng giúp đại gia đình con cháu ôngTưKyđủ đảm bảo cho đời sống. Dù trải qua bao nhiêu năm, có lúc gặp khó khăn về thu nhập nhưng con cháu ôngTưKyvẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ xe mì để tìm đến nghề khác. Có lẽ vị của cọng mì tươi thơm mùi trứng và mùi nước lèo đặc trưng đã trở thành truyền thống xuyên suốt nhiều thế hệ, gia đình ông mãi giữ cho người Sài Gòn một món mì Tàu không thể lẫn vào đâu được.

(Theo SGTT.VN)

Bánh bao Cả Cần

“Bánh bao Cả Cần” là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam (sản xuất ở Sài Gòn), khác với bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” nổi tiếng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước xuất hiện ở vài quán nhỏ tại khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 – Chợ Lớn cũ), sau đó, bánh bao mang tên Cả Cần trở thành một quán độc lập, nằm trọn trên khoảng khuôn viên sát cạnh ngã 4 Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang.

Người đầu tiên sản xuất thứ bánh bao này là ông Trần Phấn Thắng (đã qua đời từ lâu). Từ nhiều năm nay, Sài Gòn có nhiều nơi sản xuất bánh bao (không kể bánh bao của người Hoa), với những thương hiệu không thể nhớ hết. Bên canh những xe bán bánh bao mang biển hiệu: bánh bao Singapore, bánh bao Đài Loan, bánh bao Malaysia… nhưng bánh bao Cả Cần vẫn cứ đông khách như mọi khi. Và ngày nay, thương hiệu “Cả Cần” đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn.

Image

Theo anh Trương Thanh Liêm, một người quen với ông Trần Phấn Thắng cung cấp:

1. VỀ CÁI TÊN ÔNG CẢ CẦN:

Người ta chỉ suy đoán chữ CẢ CẦN dựa theo cái nghĩa đen của nó để thêu dệp rằng: Ông Thắng có cha làm ông Cả tên Cần, theo kiểu HAI LÚA thì chắc có em tên BA GẠO.

Thật ra thì Ông Thắng là người gốc Mỹ Tho là người thứ ba trong nhà, có ông anh tên Trần Phấn Phát, sỹ quan Quân Lực VNCH. Cha ông gốc Tàu Minh Hương, không có làm Hương Cả gì cả. Cả hai anh em rất thích văn chương văn nghệ và có một nhóm bạn rất là văn nghệ sỹ trong đó phải kể đến Nhạc Sỹ Lê Thương (tác giả Hòn Vọng Phu) cũng như nhà báo và dân biểu đối lập thời VNCH là Lý Quý Chung chẳng hạn.

Ông Thắng tâm sự: Cần là tên một người bạn thơ ấu của hai anh em chẳng may mất sớm. Chữ Cả ông ghép vào vì cá tính của ông thích những chữ cùng phụ âm như kiểu Tin – Tình – Tiền – Tù – Tội. Và ông tâm đắc câu quảng cáo của ông dùng bao năm nay toàn bằng chữ C:
Có Cả Cần Cần Chi Có Cả
Cũng vì thích loại câu dùng cùng một phụ âm này mà tên con ông đặt toàn chữ T. Ông Bà Thắng có đông con (tôi nhớ không lầm thì cũng gần chục). Tôi nhớ được tên của bốn cô con gái của ông là:
Trần Mỹ Tiên
Trần Mỹ Trinh
Trần Mỹ Thanh và cô út là
Trần Mỹ Tâm

2. VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA QUÁN ÔNG CẢ CẦN:

Ông Bà Cả Cần xuất thân từ công chức VNCH. Bà người gốc Bến Tre, nấu ăn rất ngon. Ông có tài ăn nói duyên dáng và khả năng ngoại giao bạn bè rất rộng. Từ sự kết hợp đó, ông bà quyết định bỏ nghề công chức ra mở quán Hủ Tiếu và Bánh Bao Mỹ Tho. Tên Cả Cần được ông chọn đầu tiên cho Quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý – Trương Quốc Dung (tôi mang máng nhớ tên đường này là vậy). Trước năm 1975, nếu ai đi lại con đường ra sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể không thấy cái Bánh Bao To Tướng trước khi băng qua cổng xe lữa.

Sau thời gian ngắn thì Quán Ông Cả Cần thành công rất nhanh nhờ tài nấu ăn của bà và tài ngoại giao của ông. Cũng vì quen biết giới văn nghệ sỹ thời đó nên ông Thắng mượn nghệ danh của cô Năm Sa Đéc (vợ của ông Vương Hồng Sễn) làm tên quán thứ hai ở Ngã Tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Trãi (Chợ Lớn) . Đến đây thì nãy sinh một vài đồn đoán rằng:
– Ông Cả Cần gốc Sa Đéc không phải gốc Mỹ Tho
– Bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần
– Bà Năm Sa Đéc có phần hùn trong quán Cả Cần

Cả ba điều này đều là đồn đoán và không có thật. Ai có đến quán Bà Năm Sa Đéc (của ông Trần Phấn Thắng) thì đều biết quán này nằm giữa đường gần như chắn ngang con đường Nguyễn Trãi chạy từ Sài Gòn ra. Vì thế khoảng thập niên 70, ông Thắng bị Đô Trưởng lúc đó là Đỗ Kiến Nhiễu (nghe đâu cũng gốc Mỹ Tho) bắt tháo dỡ. Ông theo vụ kiện đến cùng, kết cục thì ông Thắng thắng và quán vẫn còn tồn tại như ngày nay. Nhưng vì vụ kiện này mà Bà Năm Sa Đéc rút tên ra. Quán mang tên MỸ TIÊN . Mỹ Tiên là tên cô con gái lớn của ông Thắng . Sau 1975, quán vẫn mang tên Mỹ Tiên.

3. GIA ĐÌNH CẢ CẦN NAY ĐÂU?

Sau năm 1975, gia đình ông Thắng còn giữ được một số tài sản và quyết định ra đi. Vì gia đình có gốc Hoa nên đi cả nhà, thậm chí những người đầu bếp giỏi, phụ bếp và cả phụ vụ bàn. Giá vàng ông phải trả lúc đó khoảng 12 cây vàng cho một đầu người.

Gia đình ông ra đi suôn sẻ trong một đêm lặng gió. Cuối cùng thì định cư tại Montreal, Canada . Đến đất tạm dung Montreal chẳng bao lâu thì với số vốn mà nhân lực mang theo ông bà đã mở được hai quán để tên ONG CA CAN: một ở dưới phố trên đường St Catherine gần trường Đại Học McGill , một ở Côte des Neiges. Cũng vẫn với khiếu chữ nghĩa bẩm sinh của mình, ông Thắng đã dí dỏm gọi quán ở Côte des Neiges là TRÊN DỐC TUYẾT, Montreal là Mộng Lệ An.

Hai ông bà thành công rất nhanh ở xứ Canada cho nên khi VN mở cửa năm 89 thì năm 90 cô con gái lớn ông đã thực hiện chuyến về VN đâu tiên và ông bà cũng lần lượt về sau đó để tìm lại cơ hội làm ăn cũng như lấy lại nhà hàng cũ.

Sau khi ông bà ra đi thì nhà hàng cũ do một người bà con xa cai quản. Ông bà cũng thường gởi tiền về giúp đở. Nhưng về phẩm chất nấu ăn thì không giữ được như trước cho nên nhà hàng dần dần mất tiếng và suy sụp. Đây là điểm yếu của đa số nhà hàng Việt Nam nói chung và nhà hàng Ông Cả Cần nói riêng. Bà Cả Cần là người giỏi giang quán xuyến, nhưng nhà hàng là phương tiện sống của đại gia đình cho nên bà giữ bí quyết rất kỹ. Thậm chí ở Canada, chưa chắc con bà lúc ấy nấu được như bà.

Khi công cuộc điều đình mua lại đất đai nhà hàng cũ còn đang được tiến hành thì bà Cả Cần đột ngột bị TAI BIẾN MẠCH MÁO não và năm bất động. Tội nghiệp cho bà. Bà nằm thế đến gần 2 năm trời và bà qua đời năm 1995.

Sau khi bà qua đời thì ông Thắng về Việt Nam thường hơn để làm ăn. Nhà hàng bên Canada thiếu bà không còn đông như trước. Các cô các cậu lập gia đình chỉ còn vài người theo nghề cha mẹ. Chỉ vài năm sau đó thì Ông Cả Cần Trần Phấn Thắng cũng qua đời tại Việt Nam . Nhà hàng TRÊN DỐC TUYẾT đóng cửa. Giờ chỉ còn nhà hàng dưới phố St Catherine.

Có người nói bảng hiệu sau này của nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương là ÔNG CẢ CẦN. Có thể nhà hàng đổi tên lại sau khi ông Cả Cần về nước. Bao năm trước đó nó vẫn mang tên MỸ TIÊN. Tên Mỹ Tiên là cái tên thứ hai sau cái tên BÀ NĂM SA ĐÉC …

(Theo Lophocvuive)

Nói thêm về hủ tiếu Mỹ Tho của quán Cả Cần:

Có nhiều người cứ nhầm hủ tiếu Mỹ Tho với hủ tiếu Nam Vang. Khác hoàn toàn. Nước hủ tiếu được nấu bằng khô mực nhí (vụn), tôm khô và xương nên nước ngọt tự nhiên, thơm và trong. Bánh hủ tiếu, sợi nhỏ dai và là bánh khô. Hủ tiếu Mỹ Tho không có để trứng cút hay tôm tươi mà chỉ có xương, thịt heo hoặc thêm gan heo thôi….

Ở Sài Gòn, có duy nhất 1 chỗ có hương vị hủ tiếu giống với hủ tiếu Mỹ Tho, đó là quán hủ tiếu Mỹ Tho – bánh bao Cả Cần – nằm ngay trước công viên Văn Lang, góc đường Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương, Q.5. (Sưu tầm)