Bạn có biết, thời Pháp, ở Sài Gòn đã từng có một tượng đài ở giữa giao lộ Lê Duẩn và Pasteur ngày nay?
Đó là bức Tượng Gambetta.

Tượng Gambetta tại Sài Gòn ban đầu nằm giữa đường Norodom (nay là Lê Duẩn) và Pellerin (nay là Pasteur). Sau đó khi kinh đào Charner bị lấp để trở thành Đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ), và Chợ cũ ở đại lộ Charner bị dỡ bỏ, thì khu đất Chợ cũ được cải tạo thành Quảng trường Gambetta, với tượng đài Gambetta được dời về đây, đặt ở gần phía cuối Quảng trường.

Quảng trường Gambetta (còn được gọi là Quảng trường Chợ cũ) nằm giữa 4 con đường: mặt trước là Đại lộ CHARNER (Nguyễn Huệ ngày nay), mặt sau là Đường GEORGES GUYNEMER (sau này là Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu), phía bên phải là Đường VANNIER (nay là Ngô Đức Kế) và bên trái là Đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều), nơi sau này có trụ sở Ngân Khố và Học viện Ngân hàng TPHCM. Vị trí tượng Gambetta trong hình 2 chính là vị trí hiện nay của tòa nhà Bitexco 68 tầng.
Khi trụ sở Kho Bạc được xây dựng trên khu đất này thì tượng Gambetta được dời về Công viên Tao đàn (khi đó mang tên Parc de Maurice Long hay Jardin De Ville, và người Việt hồi đó quen gọi là “Vườn Ông Thượng” hay “Vườn Bờ-rô”). Tượng Gambetta gần phía sau sân banh Tao Đàn.

Theo ông Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa thì năm 1945 khi Nhật đến VN, “chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được…”
SƠ LƯỢC VỀ GAMBETTA
Léon Gambetta sinh ngày 2/4/1838 tại Cahors và mất ngày 31/12/1882 tại Sèvres (“thọ” 44 tuổi). Ông là một danh nhân chính trị gia Cộng hoà Pháp, làm Thủ Tướng (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) từ 1881-1882, vào khoảng thời gian Pháp sắp bắt đầu đặt nền đô hộ trên đất nuớc VN. Ông cũng thuộc phái các chính trị gia ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa cho Pháp quốc, do công trạng này mà Gambetta đã được dựng tượng tại Sài Gòn là thủ phủ của Nam kỳ là nơi đã bị Pháp chiếm sớm nhất.
Ảnh và Lời bình: manhhai