Trường trung học Nguyễn Bá Tòng

Một số hình ảnh của trường trong kỷ yếu 1973:

– Năm 1956: trường được thành lập mang tên vị Giám mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam có sự trợ giúp đặc biệt của cơ quan  Caritas Germanica Đức Quốc, cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường toạ lạc tại số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, quận 1 Sài Gòn. Trường có nhiều cấp lớp từ đệ thất đến đệ nhất đủ các môn A, B, A đặt dưới quyền đìều khiển của 8 vị linh mục cùng với sự giáo dục của 160 vị giáo sư, 30 nhân viên văn phòng ( ghi nhận vào năm 1963). Là một trường trung học tư thục nhưng trường được đánh gíá cao trong việc giáo dục, uy tín nhất thủ đô.

– Từ năm 1971: trường chỉ dành riêng cho học sinh nữ

– Từ năm 1975: trường trở thành trường trung học phổ thông công lập và trường được đổi tên thành trường THPT Bùi Thị Xuân, dành cho cả học sinh nam và nữ.

Mặt trước của trường Nguyễn Bá Tòng
Mặt trước của trường Nguyễn Bá Tòng
Tòa nhà chính
Ngôi nhà 3 tầng đầu tiên được xây cất vào năm 1955, dài 80m, rộng 10m, gồm 25 phòng học, 2 phòng Giáo sư, 1 thư viện và một số phòng nhỏ sử dụng cho Ban giám thị
Khu kỹ thuật
Hai tầng lầu trên cùng Học khu Kỹ thuật này sử dụng cho 3 phòng Gia chánh, 3 phòng Cắt may, 1 phòng kế toán (máy chữ), 1 phòng Giáo sư và 7 phòng học. Tầng dưới cùng gồm 3 lớp học, 1 văn phòng, 1 thư quán và 1 phòng liên lạc.
Khu nhà gạch
Ngôi nhà 4 tầng phía tay trái xây cất năm 1966, dài 50m, rộng 10m, gồm 25 phòng học
Ngôi nhà 4 tầng phía tay mặt xây cất vào năm 1968, dài 50m, rộng 10m, gồm 17 phòng học, một phòng thí nghiệm và một nguyện đường
Khu nhà cây
Ngôi nhà cây 2 tầng xây cất năm 1956, dài 50m, rộng 12m, gồm 9 phòng học và 1 phòng Giám thị.
Phòng gia chánh
Một phòng Gia chánh thuộc học khu Kỹ thuật Nguyễn Bá Tòng
Phòng kế toán
Một phòng Kế toán (Máy chữ) Nguyễn Bá Tòng
Phòng thí nghiệm
Phòng thí nghiệm Nguyễn Bá Tòng trị giá hơn 6 triệu đồng do cơ quan bác ái Đức Quốc viện trợ
Xếp hàng, trật tự và kỷ luật
Xếp hàng, trật tự và kỷ luật
Lớp tu nghiệp
Cộng tác với Ủy ban Giáo dục Địa phận Sài Gòn tổ chức lớp tu nghiệp Y học cho quý vị Giám thị của hơn 30 trường Trung, Tiểu học Giáo khu Sài Gòn từ 19-4-1972 đến 1-6-1972

Trích Kỷ yếu 1973 Nguyễn Bá Tòng

Địa danh Thủ Thiêm bắt nguồn từ đâu?

Thủ Thiêm xưa là khu vực phường Thủ Thiêm, quận 2 hiện nay. Địa hình vùng này trũng nên giao thông đường bộ không thuận lợi mà chỉ phát triển giao thông đường thủy. Vì thế từ lâu đã có câu hát:

Bắp non mà nướng nửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Địa hình trũng cũng là môi trường thuận lợi cho bàng, năn, lác … phát triển. Bàng là nguyên liệu quan trọng cho nghề đươn đệm, đặc biệt là đươn đệm buồn dùng cho ghe trên sông. Ở khu vực quận 1 nay, vào thời chúa Nguyễn có một xóm Đệm Buồm, vì thế mà có câu hát:

Ngõ lên trên chợ Thủ Thiêm
Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu

Nhưng tại sao có tên Thủ Thiêm? Ở Nam Bộ có nhiều địa danh được cấu tạo theo công thức: thủ + tên người, như Thủ Thừa là ông thủ ngự tên Mai Tự Thừa (Long An), Thủ Đức là ông thủ ngự tên Đức. Thủ Thiêm là ông quan tên Thiêm làm chức thủ ngự.

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì trại thủ là trại của làng lập ra để giữ trên bộ, còn phần thủ thì canh giữ đường sông. Vậy đây chính là phần thủ canh giữ đường sông Bến Nghé.

Trích Hỏi đáp về Sài Gòn – TPHCM – Tập 1

Địa danh Đakao có phải xuất phát từ Đất Hộ?

Đúng vậy. Thời Pháp thuộc, có giai đoạn hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành “Địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn” (Région de Saigon – Cholon) với tổ chức bên dưới là các hộ (quartier), tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Người đứng đầu một hộ gọi là Hộ trưởng (Chef de quartier). Tên gốc của vùng đất Đakao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lý). Trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp đã phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đakao. Trên thực tế địa danh Đakao chỉ phổ biến rộng tại Sài Gòn từ thập niên 1950-1960 trở về sau.

Ở thành phố cũng có một vài địa danh bị “biến âm” tương tự như: địa danh Láng Thọ viết thành Langto rồi Việt hóa thành Lăng Tô; địa danh Chí Hòa, người Pháp viết là Kihoa, một số người Việt đọc thành Kỳ Hòa; địa danh Thuận Kiều người Pháp viế thành Tong-kéou và có người đã “chuyển” thành Đông Khẩu.

Trích Hỏi đáp về Sài Gòn – TPHCM – Tập 1

Về nguồn gốc tên gọi Củ Chi?

Củ Chi trở thành địa danh hành chính từ năm 1956. Huyện Củ Chi vốn là hai quận Củ Chi (Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) nhập lại. Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng này vào thời đó. Cây mã tiền, một loại cây ở rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc.

Trích Hỏi đáp về Sài Gòn – TPHCM – Tập 1

Đặng Tuyết Mai – hoa khôi Sài Gòn một thời

Đã có rất nhiều bóng hồng vây quanh Dinh Độc Lập Sài Gòn dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975, nhưng có lẽ người đàn bà đẹp nhất là Đặng Tuyết Mai – nguyên là phu nhân của “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật quyền lực thứ hai trong Phủ Đầu Rồng. 

Đặng Tuyết Mai-hoa khôi Sài Gòn một thời, cựu phu nhân Nguyễn Cao Kỳ
Đặng Tuyết Mai-hoa khôi Sài Gòn một thời, cựu phu nhân Nguyễn Cao Kỳ

“Hoa khôi Sài Gòn” Đặng Tuyết Mai một trong 4 chiêu đãi viên hàng không đầu tiên

Ngược dòng thời gian để quay về với Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là thời kỳ mà xã hội thượng lưu theo phong trào Âu – Mỹ tràn ngập phố phường, trăm hoa đua nở. Bà Tuyết Mai kể lại chuyện: sự kiện “cô Bắc kỳ nho nhỏ” Đặng Tuyết Mai trở thành một trong 4 tiếp viên đầu tiên của Hãng Air Vietnam trở thành sự kiện nổi đình nổi đám lúc bấy giờ.

Ngày đó, có quá nhiều sự lựa chọn để nổi tiếng đối với một cô gái trẻ đẹp ở tuổi 18-20 như Đặng Tuyết Mai. Được học hành tử tế, được lớn lên trong một gia đình có nề nếp gia phong. Cơ hội có khá nhiều để Tuyết Mai chuẩn bị hành trang vào đời, không phải mỗi con đường độc đạo. Làm bác sĩ, làm nghệ sĩ, du học… nơi nào cũng sẵn sàng mở cánh cửa đón nhận những cô gái trẻ đẹp, đoan trang và thông minh như cô.

Cuộc thi tuyển rất gắt gao, còn hơn cả việc tuyển diễn viên điện ảnh của Hãng phim Mỹ Vân năm 1958 làm rạng danh gương mặt minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Cả bốn kiều nữ trúng tuyển đều là những cô gái dáng dong dỏng cao, giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp và kiến thức xã hội cực kỳ phong phú, hiểu biết nhiều vấn đề trong xã hội. Tuyết Mai cho rằng, cô may mắn được cha mẹ sinh ra có chút nhan sắc và mê đọc sách từ bé nên không chút lúng túng trong phần thi ứng xử tình huống.

Ngay cả khi trúng tuyển rồi, Tuyết Mai còn phải thuyết phục bố mẹ đủ điều các cụ mới miễn cưỡng cho đi làm nghề chiêu đãi viên Hàng không. Ngày đó ngành tiếp viên Hàng không còn quá mới mẻ, trong hoàn cảnh đất nước hai miền có chiến tranh, quan niệm của xã hội phong kiến còn khá nặng nề trong nếp nghĩ của các thế hệ bố mẹ, ông bà. Khác xa thời bây giờ, được làm tiếp viên Hàng không là niềm tự hào và giấc mơ của rất nhiều cô gái trẻ đẹp.

Ngay hôm sau, cả Sài Gòn xôn xao bàn tán về 4 chiêu đãi viên đẹp như tiên giáng trần đầu tiên của Hãng Air Vietnam. Người đẹp, sự kiện nóng hổi mới lạ, tiêu chuẩn cuộc thi rất cao nhưng 4 cô gái đã về đích mỹ mãn…

Từ các quán cà phê đến các CLB không quân, người người bàn tán, bình luận. Lúc đó trên bàn viên chỉ huy không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng có một tờ báo đưa tin về “Hoa khôi Sài Gòn Đặng Tuyết Mai” đã khiến hàm râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ co giật nhiều lần và đôi mắt cực kỳ quyến rũ của chàng nghệ sĩ không trung dán chặt vào bức ảnh cô chiêu đãi viên Hàng không là hoa khôi Đặng Tuyết Mai.

Bắt đầu một ngày mới với công việc của một chiêu đãi viên Hàng không quốc tế, Tuyết Mai phải học rất nhiều, rất cần mẫn để có thể thành thục các thao tác chuyên nghiệp trên các chuyến bay, đặc biệt trên các chuyến bay có các nguyên thủ quốc gia xuất ngoại. Nhưng khó khăn đến mấy cô cũng hoàn thành xuất sắc, bạn bè đồng nghiệp và lãnh đạo đều rất quý mến cô.

Sau những chuyến bay đường dài về, cô thường nhớ lời mẹ dặn: “Nhớ ăn học cho đàng hoàng, kiếm tấm chồng để bõ công tôi chăm lo cho cô nhé”. Có lẽ đây là một công việc hệ trọng và khó nhất của tương lai cuộc đời cô. Duyên số là do trời định. Một ngày kia, trên chuyến bay từ Manila – Phi Luật Tân về cô đã gặp “duyên tiền định” của đời mình là “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ.

“Mãnh thú” bầu trời và người đẹp hàng không

Đặng Tuyết Mai-đệ nhị phu nhân của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ
Đặng Tuyết Mai-đệ nhị phu nhân của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ

Mặc dù trở về Việt Nam, đã ly dị với “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ, đã tìm được hạnh phúc mới cho mình, nhưng Tuyết Mai không bao giờ nói dối lòng về mối tình đầu rất đẹp của đời bà với viên Tướng này.

Nhắc lại chuyện tình với Nguyễn Cao Kỳ, bà Tuyết Mai thổ lộ: “Đến tận bây giờ, dù tình xưa đã tắt nhưng tôi vẫn còn nhớ anh Kỳ có đôi mắt rất đàn ông. Người đàn bà nào nhìn vào cũng sụm chân run rẩy. Tôi cũng từng ngụp lặn trong ánh mắt ấy. Ở anh Kỳ có nét  phong trần, phóng khoáng, ngang tàng, nhưng đầy nghệ sĩ”.

Những kỷ niệm tình yêu đầu tiên bao giờ cũng tinh khôi và rất đẹp. Có người cho rằng tình đầu không phải tình yêu, nhưng tất cả những mối tình về sau đều là biến dạng của mối tình đầu. Tuyết Mai đã yêu người đàn ông lịch lãm có hàm râu kẽm rất đàn ông và nghệ sĩ ngay cái nhìn đầu tiên. Cô đã viết trong hồi ký cho con gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên về lần gặp gỡ rất đẹp, lãng mạn ấy.

Cho đến thời điểm tháng  9/1964, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã qua một đời vợ người Pháp, có 5 người con riêng. Còn Tuyết Mai chỉ có trái tim yêu và yêu, đúng hơn chi là những tình cảm lãng mạn vu vơ tuổi học trò, tuổi mới vào đời nên khoảng trống ấy của trái tim Tuyết Mai đã bị Tướng Kỳ – “một nghệ sĩ giang hồ, một mãnh tướng” trên bầu trời và trên tình trường phát hiện từ cuộc gặp gỡ đầu tiên trên chuyến bay Manila về. Và cơ hội gặp lại trong lần sang Bangkok cũng do Tướng Kỳ sắp đặt, điều động để cơ hội gần hơn, rút ngắn khoảng cách hai trái tim.

Không ai lạ gì, Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ là một tướng ngông, ngang tàng chẳng vị nể ai. Hàng ngày đi làm ông vẫn dùng trực thăng bay từ nhà riêng trong Bộ Tổng Tham mưu đáp xuống bãi cỏ trong Dinh Độc lập. Chưa kể có nhiều lần Tướng Kỳ đậu trên nóc Dinh ngay phía dưới phòng ngủ của vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khiến bà Mai Anh phiền hà lên tiếng.

Cũng không ai lạ gì việc đi thăm, làm việc của Tướng Kỳ với các lực lượng không quân trong phạm vi miền Nam thời kỳ đó, Nguyễn Cao Kỳ đều sử dụng máy bay riêng tự mình lái, thay vì đi ô tô, không an toàn.

Tuyết Mai gặp Tướng Kỳ trên chuyến bay định mệnh từ Manila về Việt Nam. Nguyện vọng đầu tiên của Tuyết Mai là nhờ ông can thiệp để cấp dưới của ông không quấy rối, vì người này đang theo đuổi cô khá cuồng nhiệt. Do cự tuyệt, nên Tuyết Mai đã gặp khá nhiều rắc rối từ người đàn ông này. Vì còn trẻ, còn nhiều tương lai hứa hẹn, cô thật sự hoang mang về sự tán tỉnh, đeo đuổi thái quá của một người đàn ông cấp dưới của Tướng Kỳ.

Sau lần gặp gỡ đó, Tướng Kỳ mời Tuyết Mai đến dự một buổi dạ vũ và căn dặn: “Đêm nay là một đêm đặc biệt, nên tôi yêu cầu người đẹp hãy đặc biệt dễ thương”. Tiệc gần tàn, ông hỏi: “Cô thấy thế nào?”. Tuyết Mai bình thản trả lời: “Vì Thiếu tướng có nêu tính chất đặc biệt của buổi tối nay nên tôi vui vẻ. Nhưng ngày mai không còn là tối hôm nay nữa. Và sự khác biệt của chúng ta không thể nào giải quyết được”.

Ba tuần sau, có lệnh yêu cầu đặc biệt cô Mai đi phục vụ chuyến bay phục vụ đoàn sĩ quan cao cấp Không quân sang Bangkok một tuần lễ tham dự các hoạt động giao lưu, tiếp kiến nhà vua Thái Lan, nhận huân chương danh dự của Không quân Hoàng gia Thái Lan… Trưởng phái đoàn Việt Nam không ai khác: Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Có một cuộc gặp tại phòng ăn khách sạn nơi cả đoàn tá túc, nhiều sĩ quan không quân đã chân tình mời Tuyết Mai ăn chung với anh em, cô khéo léo từ chối vì đã có cuộc hẹn với Smith – Giám đốc Hãng Hàng không B.O.A.C ở Bangkok.

Nhưng định mệnh và ánh mắt đặc biệt của Tướng Kỳ đã làm cô thay đổi quyết định, nhận lời đi cùng xe với Tướng Kỳ làm bộ hướng dẫn đi loanh quanh mua quà. Cả thời gian trên xe, dường như không ai nói được gì nhiều, trái tim của Tuyết Mai như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, như muốn vỡ ra vì tiếng sét ái tình.

Tuyết Mai kể lại, chỉ mỗi câu nói cửa miệng : “Buồn chi lạ” của Tướng Kỳ, đã khiến cô trằn trọc, mơ màng suốt đêm không ngủ được.  Cô đã nhận bó hoa tươi và từ chối một cách lịch sự  người đàn ông xứ sương mù trước mặt các sĩ quan không quân, đang hăm hở lịch thiệp đến đón cô đi dạo cho thỏa lòng mong nhớ từ lâu nay theo đuổi mối tình bóng chim tăm cá.

Cô biết mình đã yêu và thích người đàn ông có hàm râu kẽm kia, chẳng phải vì ông ta là người có quyền lực hay tiền bạc kếch sù. Trái tim có lý lẽ riêng của nó, những lý lẽ mà không dễ gì con người xác định được cân lượng. Với một thiếu nữ đầy kiêu hãnh của tuổi hai mươi, nhan sắc tuyệt vời như Tuyết Mai, thật khó mà biết cô chọn lựa tình yêu bắt đầu từ đâu ngoài sự say đắm, bất chợt.

Cả đêm không ngủ, Tuyết Mai thức dậy trang điểm xong, chờ giờ hẹn với Smith đã khước từ một lần. Nhưng tự nhiên bước chân đưa cô đến bên cửa ban công nhìn xuống dưới sân khách sạn. Cô biết lịch trình các sĩ quan không quân hôm nay, cô đang muốn chờ đợi để ngắm một con người mà cả đêm làm cô thổn thức. Tại sao thế, cô không biết. Con gái thích âm thầm nhìn ngắm người mình yêu mà không cần giải thích vì sao.

Bất chợt có tiếng gõ cửa phòng, cô thừa biết nhân viên lễ tân đến giờ mang bữa điểm tâm phục vụ, cô thờ ơ bảo để đó mắt không rời các sĩ quan không quân tụ tập dưới sân chờ giờ lên xe đi. Tuyết Mai quay lại mở cửa…

Trước mắt cô không phải là nhân viên lễ tân khách sạn bình thường, mà là Tướng Kỳ, trong quân phục Đại lễ của Không quân, áo mũ chỉnh tề, huy chương đeo đầy ngực, đeo kiếm ngắn bên hông trìu mến nói : “Chúc cô Mai ngon miệng nhé”. Tuyết Mai như một người bị thôi miên, đứng chết trân như trời trồng mà không thể mở miệng nói gì được nữa.

Xúc động dâng trào lẫn hạnh phúc, Tuyết Mai mới hoàn hồn lại nói lí nhí mấy lời đúng kiểu cách của một chiêu đãi viên hàng không: “Thưa Thiếu tướng, trong tất cả hình ảnh đẹp và hào hoa nhất về Không quân, dường như hình ảnh một người chỉ huy trang phục chỉnh tề, bê khay đồ ăn là có ý nghĩa nhất. Cảm ơn Thiếu tướng, hình ảnh này mãi mãi không phai mờ trong ký ức của em..”. Nghe xong những lời từ trái tim người đẹp, Tướng Kỳ suốt cả ngày hôm ấy lâng lâng cảm xúc nồng nàn của một tình yêu từ rất lâu rồi ông chưa nghe trái tim mình mách bảo như thế. Đó là người ông đã yêu thật sự.

Đặng Tuyết Mai cùng Nguyễn Cao Kỳ trả lời trước báo giới
Đặng Tuyết Mai cùng Nguyễn Cao Kỳ trả lời trước báo giới

Dùng trực thăng đến nơi hẹn hò để ngỏ lời cầu hôn

Bà Tuyết Mai (thứ 2 từ phải qua) cùng phu nhân Tổng thống Mỹ, Philippines
Bà Tuyết Mai (thứ 2 từ phải qua) cùng phu nhân Tổng thống Mỹ, Philippines

Trong hồi ký của mình, Tướng Kỳ đã viết : “Trong những ngày cuồng nhiệt của nhóm tướng trẻ, tôi không chỉ dính líu vào những cuộc đảo chính và bận bịu với công cuộc tác chiến của không quân mà tôi còn đem lòng yêu thương một người nữa.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng sự ly thân và tiếp theo đó chúng tôi đã ly dị. Sau khi ly dị với vợ tôi, theo lời của một nhà báo, tôi đã hưởng được “hai năm hết sức sôi động của một người có số đào hoa”.

Có lẽ tôi không cần phải đính chính là sự nhận xét trên đã được phóng đại như thế nào và thực ra tôi cũng đã vui chơi nhiều và thoải mái trong lúc bấy giờ bởi vì tất cả chúng tôi đều không biết sống chết ngày nào và cần phải sống vội khi mình được sống”.

Cuộc đời của Tướng Kỳ cũng khá nhiều sóng gió về tình duyện. Khoảng năm 1962, ông chia tay với bà vợ người Pháp sau khi đã có với nhau 5 người con. Trong hai năm trước ngày cưới Tuyết Mai, Tướng Kỳ chán đời nên thường lao vào những cuộc ăn chơi, giải trí sau những giờ căng thẳng công việc. Hơn nữa, Sài Gòn vào những năm cuối đời Ngô Đình Diệm rất phức tạp, rối ren. Các phe cánh đang tranh giành quyền lực, Kỳ được yên bề vì nắm giữ Không quân, nên mọi đối thủ đều rất dè dặt về con người hào phóng, ngang tàng rất máu nghệ sĩ này.

Về phần Tuyết Mai, sau khi trở về nhà. Hôm sau thức giấc, Tuyết Mai được người nhà cho biết sáng sớm có một viên sĩ quan đến nhà gửi tặng hoa hồng phấn – loài hoa mà cô yêu thích nhất cùng một bì thơ. Linh tính mách bảo cô rằng khong ai khác, chính “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ.

Trong thư, Tướng Kỳ ngỏ lời mời Tuyết Mai ăn cơm trưa tại nhà hàng Caravelle với “hi vọng những bông hồng này sẽ đem lại chút hạnh phúc nhỏ bé khi đánh thức cô dậy”.

Lúc đầu Tuyết Mai có hàng ngàn ký do để từ chối, nhưng suy nghĩ đắn đo hồi lâu,cuối cùng trái tim mách bảo cô, hãy giả vờ từ chối thôi, và cô nhận lời tự đến nơi hẹn mà không cần đưa đón. Tướng Kỳ cười sáng khoái: “Cô Mai không phải lo.Tôi đến nơi hẹn bằng máy bay. Chúng ta gặp nhau tại cửa thang máy phòng ăn riêng không có ai trên thế gian này nhìn thấy đâu”.

Tuyết Mai trang điểm nhẹ nhàng, cô muốn giữ những nét thật nhất trên khuôn mặt, làn da và sự tươi trẻ hồn nhiên để đến nơi hẹn nhân tình. Tướng Kỳ đã đậu trực thăng trên nóc khách sạn, ngồi đợi cô trong phòng ăn đặc biệt khá lâu.

Giữa không gian ấm cúng và lý tưởng có một không hai của đất Sài Gòn, nơi phóng tầm mắt nhìn thấy bốn phía hòn Ngọc Viễn Đông, men rượu vang tê tái đầu lưỡi và tiếng nhạc thính phòng du dương, Tướng Kỳ đã ngỏ lời cầu hôn Tuyết Mai.

Sau này nhớ lại, cô không thể diễn tả được cảm giác rất đặc biệt và thiêng liêng khi ấy. Cảm giác ấm nóng của bàn tay, làn môi hay lời nói nồng nàn, đa tình của viên tướng cao bồi đã làm cô say đắm vì hạnh phúc.

Bà mẹ Tuyết Mai từng dạy dỗ, mong con gái có tấm chồng đàng hoàng, tử tế đã quyết liệt phản đối cuộc tình của Tuyết Mai. Nhưng đối với Tuyết Mai, việc chênh lệch về tuổi tác, việc lấy chồng đã qua một đời vợ với 5 con riêng không phải là những khó khăn ngăn cản cô bảo vệ tình yêu say đắm và nắm giữ hạnh phúc đời mình.. Chỉ riêng việc nài nỉ, thuyết phục mẹ, Tuyết Mai đã mất khá nhiều nước mắt và sụt cân.

Đám cưới của “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ và cô chiêu đãi viên Hàng không Air Vietnam tổ chức tại khách sạn Caravelle vào thàng 11/1964 được coi là sự kiện tâm điểm của báo giới và dư luận Sài Gòn khi ấy. Một đám cưới tổ chức lớn nhất, đông đúc khách mời nhất và tốn kém nhất.

Để chúc mừng hạnh phúc cho Tướng Kỳ, Thủ tướng đương nhiệm Trần Văn Hương đã gởi tặng một món quà là 200.000 đồng tiền mặt, theo Kỳ số tiền ấy cho phép trang trải đầy đủ phí tổn của tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle mà “ai ai” quen biết cũng đều được mời dự – trong đó có cả Ngoại giao đoàn và hầu hết bạn bè thân thiết của Kỳ trong lực lượng không quân.

Tướng Kỳ kể lại: “Tướng Nguyễn Khánh đã cho tôi một món quà lộng lẫy – một chiếc xe Ford Falcon cũ, kiểu năm 1960 mà Khánh không dùng nữa vì Khánh đã có một chiếc xe hơi khác của nhà nước. Đây là chiếc xe hơi đầu tiên mà tôi được làm chủ từ trước tới giờ (mãi cho đến lúc đó tôi chỉ luôn luôn lái chiếc xe díp của quân đội cấp cho)”.

Thế là từ đấy, cô tiếp viên hàng không hoa khôi Sài Gòn nhí nhảnh hồn nhiên yêu đời trở thành “Bà Kỳ”, một bước có kẻ hầu, người hạ. Cũng từ ấy, cô dã từ những chuyến bay của Air Vietnam vì mỗi lần bay, tốp cận vệ luôn kè kè bảo vệ, giã từ mọi thứ đam mê thời con gái để học làm “đệ nhị phu nhân” của Việt Nam Cộng hòa.

Cưới nhau xong, tuần trăng mật vẫn còn vương vấn nồng nàn chưa tan, cũng là lúc Hội đồng tướng lĩnh họp lại đồng thuận để Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng, thành lập nội các mới sau vụ ám sát Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu. Tướng Kỳ từ chối mãi không được, cuối cùng đồng ý với điều kiện “tôi phải xin phép vợ tôi đã”.

Và Kỳ về nói với Tuyết Mai: “Phản ứng đầu tiên của vợ tôi là “không được” (không được làm Thủ tướng)”. Lý do? Tướng Kỳ viết: “Vì lúc ấy chúng tôi là cặp vợ chồng mới cưới, chúng tôi không muốn dính líu đến các mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, sau khi tôi giải thích cho vợ tôi nghe các sự việc đã xảy ra (về cuộc họp và sự ủng hộ cuồng nhiệt của các tướng lĩnh), vợ tôi đã hiểu và đồng ý với việc tôi quyết định đứng ra thành lập chính phủ. Ngày hôm sau, tôi trở lại phòng họp của Hội đồng Quân lực để xác nhận quyết định này của tôi”.

Dù làm Thủ tướng, nhưng Tướng Nguyễn Cao Kỳ vẫn tiếp tục ở trong căn cứ không quân như cũ, thay vì chuyển đến một khu công thự dành cho mình theo cương vị mới, đó là một nhà lầu ba tầng cách Dinh Độc Lập không xa, khá thuận tiện. Song ông chỉ dùng nơi ấy làm văn phòng, tại đó có sẵn bếp, người phục dịch và phòng ngủ để ông có thể chiêu đãi, hoặc ngủ lại khi công vụ bề bộn.

Tính đến nay, Tướng Kỳ đã có có 3 người vợ, với 6 người con: người vợ đầu là người quốc tịch Pháp, có với ông 5 người con. Khoảng năm 1962, ông đã làm thủ tục ly dị bà vợ này.

Người vợ thứ 2 là bà Đặng Tuyết Mai, ông Kỳ cùng bà Tuyết Mai sinh được duy nhất một người con gái là M.C Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Cho đến 11 năm sau vào ngày 28/4/1975, hai mẹ con di tản sang Mỹ, lúc đó Kỳ Duyên mới 6 tuổi. Còn Tướng Kỳ, ngày 29/4/1975 một mình lái trực thăng bay ra hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đậu ngoài khơi đón người di tản, sang Philippines một thời gian… Họ thất lạc nhau.

Khi tìm gặp lại nhau nơi đất khách quê người với nhiều đổi thay dâu bể của thời cuộc, họ đã chia tay nhau sau 25 năm chung sống với cô con gái chung là Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Người vợ thứ 3, hiện đang sống cùng ông Kỳ có tên là Lê Kim. Còn bà Tuyết Mai hiện đã trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống. Hiện bà đang mở một quán phở có tên Phở Ta, tại số 12-14, Lê Quý Đôn, Q3.

 Nam Yên

Trường Trung học Marie Curie (Lycée Marie Curie)

TRƯỜNG TRUNG HỌC MARIE CURIE – 159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh

Trường Trung Học Marie Curie là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn và là trường duy nhất không thay đổi tên ban đầu. Trường được đặt tên theo nhà khoa học người Pháp đoạt giải Nobel tên Marie Curie.

Trường Marie Curie trước năm 1975
Trường Marie Curie trước năm 1975
Cổng trường Marie Curie ngày nay
Cổng trường Marie Curie ngày nay

 

Tượng nhà khoa học người Pháp bà Marie Curie trong khuôn viên trường
Tượng nhà khoa học người Pháp bà Marie Curie trong khuôn viên trường

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:

Thời Pháp:

– Năm 1915: một giáo sư người Pháp tìm mặt bằng và khởi công xây dựng trường.

– Năm 1918: Hòan tất việc xây trường. Thành lập trường Cao đẳng Tiểu học nữ sinh người Pháp (EPS des J.F FranCaises). Trường được dành cho các nữ sinh ngừơi Pháp và một số ítc các nữ sinh người Việt trong các gia đình giàu có và có thế lực. Trong khuôn viên của trường có cả một khu nội trú dành cho học sinh ở tỉnh lên học. Tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Trường có một ban giám hiệu Pháp quản lý.

– Năm 1939: Trường có 855 học sinh  ( một số lớp sĩ số hơn 48 học sinh ).

– 1941 – 1946: đây là thời gian khó khăn chung của ngàng giáo dục do ảnh hưởng chiến tranh. Học sinh phải học trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt.

– Năm 1941: Người Nhật tham chiến ở Đông Dương, các dãy phòng học trở thành bệnh viện dành cho người Nhật.

Trường EPS di dời sang trường mẫu giáo đường Duy Tân ( trường Đại Học Kinh Tế sau này).

– Năm 1942: Trường lấy tên là trường Trung học Cơ sở Calmette (Collège Calmette).

Ngày 9 tháng 3 năm 1945: Nhật đảo chính Pháp. Trường bị đóng cửa. Trường trở thành trại tập trung lính hải quân người Pháp.

– Năm 1946: Trường đổi tên một lần nữa là Trung tâm Trung học Lucien Mossard (Centre Secondaire Lucien Mossard) với 300 học sinh với 8 lớp từ lớp 6 đến lớp 9.

Năm 1947 : Trường khai giảng trở lại và hoạt động như một trường tiểu học dưới tên Petit Lycée Calmette.

–  Năm 1948: với quyết định ngày 12/12/1947, trường Trung học nữ sinh Pháp được thành lập dưới tên trường Trung học Marie Curie (Lycée Marie Curie). Trường có 2.500 học sinh, 80 giáo sư và 5 giáo viên tiểu học. Thành lập thêm 2 cơ sở phụ : Lamartine và Colette.

Thời VNCH:

 Năm 1970: Trường Marie Curie phải tiếp nhận các học sinh của trường trung học nam sinh Lê Quý Đôn (tên cũ: trường Jean Jacques Rousseau) do chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ lấy lại trường Lê Quý Đôn. Từ đó trường có nhận nam học sinh.

– Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Trường Marie Curie được giao lại cho Sở Giáo dục TP.Hồ Chí Minh và chính thức trở thành trường công lập.

– Năm 1997: Trường Marie Curie trở thành trường trung học bán công với tên Trường THPT Bán Công Marie Curie.

Sau năm 1975:

– Năm 2006: Trường chuyển trở lại thành trường công lập với tên Trường THPT Marie Curie. Đồng thời, đồng phục hiện nay là nữ sinh của trường sẽ là váy dài xanh, áo trắng vào các ngày thường, còn thứ 2 đầu tuần và các ngày lễ mặc áo dài, nam mặc quần xanh, áo trắng.

Hiện giờ, cùng với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trường Marie Curie là một trong 3 trường THPT có dạy Pháp văn .

DANH SÁCH CÁC HIỆU TRƯỞNG TỪ NĂM 1948 – 1975:

1948-1950:Bà Brissaud

1950-1954:Bà Fortunel

1954-1965:Ông Castagnon

1965-1974:Ông Gages

1974-1975:Ông Thevenin

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC MARIE CURIE TRƯỚC 1975:

Một góc sân trường
Một góc sân trường
Một góc sân trường
Một góc sân trường
Giờ sinh hoạt dưới sân trường
Giờ sinh hoạt dưới sân trường
Giờ sinh hoạt dưới sân trường
Giờ sinh hoạt dưới sân trường

 

Giáo sư của trường thời Pháp
Giáo sư của trường thời Pháp

 

Nữ học sinh của trường thời Pháp lúc tan trường về
Nữ học sinh của trường thời Pháp lúc tan trường về
Nam và nữ học sinh của trường niên khoá 1974 - 1975
Nam và nữ học sinh của trường niên khoá 1974 – 1975

Hòn Ngọc Viễn Đông tổng hợp